Từ khóa: xe điện, thế hệ Gen Z, phương tiện giao thông, ô nhiễm môi trường, phát triển kinh tế bền vững
Theo Cục kiểm soát ô nhiễm môi trường - Trung tâm quan trắc môi trường miền Nam, khí thải ô nhiễm môi trường ở những đô thị lớn có tới 70% bắt nguồn từ các phương tiện giao thông, đặc biệt là tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM có tốc độ đô thị hóa và lượng phương tiện tham gia giao thông ngày càng tăng gây áp lực lớn cho vấn đề môi trường của khu vực. Trong bối cảnh phát triển bền vững, xe điện được xem là giải pháp tối ưu để giảm thiểu ô nhiễm. Chính vì vậy, nhóm nghiên cứu sinh viên Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh (UEH) đã tìm hiểu các yếu tố ảnh hưởng đến ý định sử dụng xe điện của thế hệ Gen Z tại TP. Hồ Chí Minh, nhằm đưa ra các giải pháp thúc đẩy sự phát triển và hàm ý giúp doanh nghiệp đưa ra mô hình kinh doanh phù hợp với thị trường xe điện, góp phần bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế bền vững.
Nghiên cứu về ý định sử dụng xe điện của thế hệ Gen Z tại TP.HCM là cần thiết trong bối cảnh môi trường hiện nay. TP.HCM đang đối mặt với nguy cơ ô nhiễm không khí nghiêm trọng, chủ yếu do khí thải từ phương tiện giao thông truyền thống. Sự chuyển đổi sang sử dụng xe điện có thể giảm thiểu đáng kể lượng khí thải độc hại, góp phần bảo vệ môi trường và cải thiện chất lượng không khí. Đối tượng hướng đến của nghiên cứu này là thế hệ Gen Z, nhóm người trẻ có ý thức cao về các vấn đề môi trường và là những người sử dụng chính các phương tiện giao thông trong tương lai. Hiểu rõ các yếu tố ảnh hưởng đến ý định sử dụng xe điện của họ sẽ giúp các nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp và cộng đồng xây dựng các chiến lược hiệu quả để khuyến khích việc sử dụng phương tiện giao thông xanh, từ đó hỗ trợ các mục tiêu phát triển bền vững và bảo vệ môi trường.
Đề tài nghiên cứu được thực hiện nhằm trả lời cho vấn đề: “Các yếu tố nào sẽ ảnh hưởng đến ý định sử dụng xe điện của Gen Z tại TP. Hồ Chí Minh?”. Cụ thể trong đề tài sẽ xác định các tiêu chí ảnh hưởng đến ý định sử dụng xe điện của thế hệ Z (Gen Z) gồm: (1) Nhận thức bảo vệ môi trường; (2) Nhận thức về xe điện; (3) Thái độ người tiêu dùng; (4) Nhận thức kiểm soát hành vi; (5) Các chương trình khuyến mãi; (6) Ảnh hưởng từ việc tăng giá nguyên liệu: xăng, dầu,...; (7) Sự hấp dẫn từ các phương tiện khác; (8) Các dịch vụ bảo hành sửa chữa.
Thông qua đối tượng khảo sát là gen Z đang sinh sống, học tập và làm việc tại TP.HCM (người tiêu dùng tiềm năng cho các sản phẩm từ xe điện nhờ vào việc tiếp xúc với nền công nghệ tiên tiến và có nhận thức cao trong vấn đề bảo vệ môi trường, phát triển bền vững) đã cung cấp cho nhóm nghiên cứu nguồn dữ liệu sơ cấp. Nhóm nghiên cứu đã tiến hành phân tích và đánh giá mức độ ảnh hưởng đến ý định sử dụng xe điện của từng yếu tố thông qua thống kê mô tả và kiểm định thang đo bằng cách sử dụng hệ số Cronbach’s Alpha và phân tích nhân tố khám phá EFA. Thông qua kết quả phân tích EFA nhóm nghiên cứu rút ra được 05 nhóm yếu tố: (1) Thái độ và hành vi người tiêu dùng và Nhận thức kiểm soát hành vi; (2) Các yếu tố tác động về giá và ảnh hưởng từ việc tăng giá nguyên liệu; (3) Các dịch vụ bảo hành; (4) Sự hấp dẫn từ các phương tiện khác; và (5) Nhận thức bảo vệ môi trường. Sau khi sử dụng phương pháp phân tích nhân tố khám phá EFA, ta có được kết quả rằng Sự hấp dẫn từ các phương tiện khác và Nhận thức bảo vệ môi trường có giá trị.
Theo kết quả đã phân tích có thể chỉ ra rằng, đối với thế hệ tiêu dùng vàng và tiềm năng như Gen Z, thái độ tiêu dùng sản phẩm, đặc biệt đối với xe điện của họ ngày càng nâng cao. Thêm vào đó, các nhu cầu về ưu đãi, khuyến mãi giúp giảm chi phí sử dụng xe điện của họ là một trong những yếu tố ảnh hưởng lớn đến ý định sử dụng sản phẩm. Từ kết quả phân tích hồi quy tuyến tính, ta có được kết quả cả 03 nhân tố: “Thái độ và nhận thức tiêu dùng”; “Các yếu tố tác động về giá” và “Các dịch vụ bảo hành” đều có tác động cùng chiều với ý định sử dụng xe điện của Gen Z.
Thông qua nghiên cứu, nhóm tác giả đề xuất giải pháp giúp nâng cao ý định sử dụng tiêu dùng và sử dụng xe điện của gen Z như sau:
Thứ nhất, nâng cao nhận thức của người dân đối với các thuộc tính của xe điện nhằm giúp người tiêu dùng đưa ra quyết định đúng đắn nhất trong quá trình trải nghiệm phương tiện giao thông với nguồn nhiên liệu sạch
Thứ hai, tăng ý định sử dụng xe điện thông qua các yếu tố có mức độ hài lòng cao: tạo ra nhiều mẫu mã sản phẩm mang tính thời trang, cập nhật và cải thiện nền công nghệ tiên tiến học hỏi từ các nước đã thành công trong lĩnh vực xe điện. Đưa ra chiến lược giá phù hợp với tài chính cá nhân và tích hợp các tính năng bảo vệ môi trường phù hợp với lối sống xanh, sạch, đẹp.
Thứ ba, nâng cao cơ sở hạ tầng cho xe điện: Hiện nay, Việt Nam chỉ có khoảng 200 trạm sạc pin cho xe điện của Vinfast ngoài ra hầu như chưa có bất cứ yếu tố hạ tầng nào khác để thúc đẩy cho sự phát triển của xe điện tại Việt Nam. Từ lý do này, cần hoàn thiện các tiêu chuẩn kỹ thuật đối với các trạm pin, tối ưu hóa các trạm sạc bằng cách sử dụng nhiên liệu sạch, nguồn điện sạch nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Thứ tư, Chính phủ cần có các chính sách khuyến khích, hỗ trợ cho các hãng sản xuất và người dùng mua xe điện, các chính sách ưu đãi về thuế nhập khẩu, thuế môi trường,.... Bên cạnh đó, chi phí hiện tại để sở hữu 1 chiếc xe điện là quá cao (theo khảo sát tại Châu Âu, giá bán trung bình của một chiếc ô tô điện đắt gần gấp đôi so với giá bán của một chiếc ô tô cùng kích thước chạy bằng xăng/dầu), doanh nghiệp cần đưa ra những chiến lược giá phù hợp và chính sách khuyến mãi cụ thể nhằm kích cầu sử dụng xe điện, giá cả cạnh tranh.
Cuối cùng, nâng cao dịch vụ bảo hành sửa chữa: Doanh nghiệp cần có chính sách bảo hành sửa chữa sản phẩm rõ ràng, cam kết đảm bảo lợi ích dài hạn cho khách hàng, nâng cấp công nghệ trang thiết bị kỹ thuật hiện đại. Mở rộng hơn phạm vi và hình thức bảo hành. Đưa ra các hướng dẫn chi tiết, dễ hiểu về thông tin bảo hành, kỹ thuật vận hành xe sao cho tránh những hư hỏng không đáng có nằm ngoài danh mục bảo hành nhằm giảm thiểu chi phí trong quá trình sử dụng sản phẩm.
Bài nghiên cứu đã gián tiếp đóng góp cho SDG 7 - Năng lượng sạch với giá thành hợp lý, SDG 12 - Tiêu thụ và sản xuất có trách nhiệm, SDG 13 - Hành động về khí hậu. Xem toàn bộ Bài nghiên viết “Nhân Tố Tác Động Đến Ý Định Sử Dụng Xe Điện Của Thế Hệ Gen Z Tại TP. Hồ Chí Minh” TẠI ĐÂY.
Nhóm tác giả: Lê Kiều Linh Như, Trương Hoàng Long Vũ, Nguyễn Thị Quỳnh Trâm, Phạm Thúy Huỳnh - Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh.
Đây là bài viết nằm trong chuỗi bài Cộng đồng nghiên cứu xanh với thông điệp “Research Contribution for UEH Living Lab Green Campus”, UEH trân trọng kính mời cộng đồng cùng đón xem bản tin Cộng đồng nghiên cứu xanh #8 tiếp theo.
*Nhằm tạo điều kiện tối đa để phát triển “Cộng đồng nhà nghiên cứu xanh UEH”, các thành viên trong cộng đồng sẽ được tham dự lớp phương pháp nghiên cứu khoa học liên quan đến chủ đề Living lab, Green Campus. Bên cạnh đó, khi sản phẩm đạt tiêu chuẩn, nhóm nghiên cứu sẽ nhận được Giấy chứng nhận của Ban Đề án Đại học bền vững UEH và kinh phí hỗ trợ đối với một đề tài đạt tiêu chuẩn.
*Thông tin thêm:
SDG 7 - Năng lượng sạch với giá thành hợp lý: Mục tiêu thứ 7 là đảm bảo khả năng tiếp cận năng lượng sạch với giá cả phải chăng, đây là chìa khóa cho sự phát triển của nông nghiệp, kinh doanh, truyền thông, giáo dục, y tế và giao thông vận tải. Việc thiếu khả năng tiếp cận năng lượng cản trở sự phát triển kinh tế và con người. Đến năm 2030 cần phải đảm bảo tiếp cận phổ cập các dịch vụ năng lượng hiện đại, đáng tin cậy và giá cả phải chăng, tăng đáng kể tỷ trọng năng lượng tái tạo trong cơ cấu năng lượng toàn cầu. Đồng thời tăng cường hợp tác quốc tế để tạo điều kiện tiếp cận với nghiên cứu và công nghệ năng lượng sạch, mở rộng cơ sở hạ tầng và nâng cấp công nghệ để cung cấp các dịch vụ năng lượng hiện đại và bền vững cho tất cả các nước.
SDG 12 - Tiêu thụ và sản xuất có trách nhiệm: Đảm bảo các mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững là chìa khóa để duy trì sinh kế của các thế hệ hiện tại và tương lai. Thực hiện khung chương trình 10 năm về sản xuất và tiêu dùng bền vững, tất cả các nước cùng hành động, các nước phát triển đi đầu, có tính đến sự phát triển và năng lực của các nước đang phát triển. Đến năm 2030, quản lý bền vững và sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, giảm một nửa lượng lãng phí thực phẩm toàn cầu trên đầu người ở cấp độ bán lẻ và người tiêu dùng, đạt được sự quản lý lành mạnh về mặt môi trường đối với hóa chất và tất cả chất thải. Bên cạnh đó, hỗ trợ các nước đang phát triển tăng cường năng lực khoa học và công nghệ để hướng tới các mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững hơn, xây dựng và triển khai các công cụ giám sát các tác động phát triển bền vững đối với du lịch bền vững.
SDG 13 - Hành động về khí hậu: Thực hiện những biện pháp để chống lại biến đổi khí hậu và hậu quả của nó bằng cách tăng cường khả năng phục hồi và thích ứng với các hiểm họa liên quan đến khí hậu và thiên tai ở tất cả các quốc gia, lồng ghép các biện pháp biến đổi khí hậu vào các chính sách, chiến lược và quy hoạch quốc gia. Cải thiện giáo dục, nâng cao nhận thức và năng lực của con người và thể chế về giảm thiểu, thích ứng, giảm thiểu tác động và cảnh báo sớm với biến đổi khí hậu. Thực hiện cam kết của các quốc gia phát triển tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, thúc đẩy các cơ chế nâng cao năng lực lập kế hoạch và quản lý hiệu quả liên quan đến biến đổi khí hậu ở các quốc gia kém phát triển nhất.
Tin, ảnh: Tác giả, Đoàn Thanh niên - Hội sinh viên UEH, Phòng Marketing Truyền thông UEH.