Công nghệ xanh đang tác động tích cực đến nền kinh tế quốc tế nói chung và Việt Nam nói riêng bằng cách nâng cao hiệu suất, tạo dựng việc làm, thúc đẩy sự đổi mới và hạn chế ảnh hưởng đến môi trường. Những lợi ích lâu dài về kinh tế, môi trường và phúc lợi xã hội này đã khiến việc phát triển công nghệ xanh trở thành một nhiệm vụ đáng được quan tâm trong thời đại mới. Trong bài viết này, hãy cùng Phòng Chăm sóc và hỗ trợ người học (DSA) tìm hiểu thêm về khái niệm này nhé!
Công nghệ xanh là gì?
Công nghệ xanh (Tiếng Anh: Green Tech) là một thuật ngữ tổng quát, miêu tả các công nghệ được tạo ra với mục đích bảo vệ môi trường, hạn chế tác động tiêu cực của con người đến môi trường từ trong quy trình sản xuất đến sử dụng (Zaid, 2021). Các giải pháp công nghệ xanh hướng đến mục tiêu chính là sự bền vững; chúng được thiết kế để đáp ứng nhu cầu của thế hệ hiện tại mà không gây trở ngại cho thế hệ tương lai đáp ứng những yêu cầu của mình. Theo IBM, công nghệ xanh có thể hạn chế tác động đến môi trường theo nhiều cách khác nhau, bao gồm việc sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo và tập trung vào tính hiệu quả của việc sử dụng năng lượng. Hiện nay, công nghệ xanh đang được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực, điển hình là ngành năng lượng, giao thông, quản lý chất thải, lọc nước và lọc khí (Zaid, 2021).
Công nghệ xanh - Công nghệ được tạo ra để bảo vệ môi trường
(Nguồn: Medium)
Ngành năng lượng: Phần lớn năng lượng của thế giới trên thực tế đang được sản xuất bằng cách đốt nhiên liệu hóa thạch. Công nghệ xanh có thể được sử dụng như một nguồn nhiên liệu thay thế bền vững hơn với môi trường. Thông thường, hệ quả tất yếu của việc đốt nhiên liệu hóa thạch trong quá trình sản xuất là tạo ra chất thải. Tuy nhiên, sử dụng các nguồn năng lượng sạch như năng lượng mặt trời, gió và thủy điện vẫn đáp ứng được yêu cầu sản xuất cơ bản mà không tạo ra bất kỳ sản phẩm phụ có hại nào.
Ngành giao thông: Một trong những tác nhân lớn nhất gây ra khí nhà kính GHG (Green House Gas) trên toàn cầu là các phương tiện chạy bằng nhiên liệu thông thường. Để cải thiện tình trạng đó, nhiều công ty đang kết hợp công nghệ xanh vào việc xây dựng hạ tầng giao thông và phát triển các phương tiện dưới dạng xe điện và xe buýt chạy bằng khí tự nhiên nén CNG (Compressed Natural Gas).
Ngành quản lý chất thải: Công nghệ xanh cũng đang được sử dụng trong ngành quản lý chất thải để vận chuyển, lưu trữ và tái chế chất thải. Hiện nay, xu thế xử lý chất thải rắn là tái chế, tái sử dụng và tận dụng năng lượng từ chất thải, coi chất thải là nguồn tài nguyên. Đây cũng là một đặc điểm của mô hình quản lý kinh tế tuần hoàn.
Mô hình kinh tế tuần hoàn
(Nguồn: baochinhphu.vn)
Lọc nước: Trên toàn thế giới, công nghệ xanh đang được sử dụng rộng rãi để lọc nước. Đối với các quốc gia có nguồn cung cấp nước hạn chế, công nghệ xanh có thể được sử dụng để làm sạch nước ô nhiễm hoặc chiết xuất muối từ nước biển để cải thiện nguồn cung cấp nước uống an toàn. Một số ứng dụng công nghệ xanh để lọc nước tiêu biểu có thể kế đến như khai thác nhiệt thải từ các tế bào năng lượng mặt trời để làm sạch nước mặn hoặc nước bị ô nhiễm, sử dụng vi khuẩn ăn độc tố và các tác nhân sinh học để phân hủy các chất gây ô nhiễm trong nước,...
Làm sạch không khí: Công nghệ xanh cũng đang được sử dụng để làm sạch không khí ô nhiễm bằng cách giảm lượng khí thải carbon và khí thải từ các ngành công nghiệp. Những công nghệ xử lý carbon dioxide (CO2) nổi bật bao gồm: Thu giữ và lưu trữ carbon (CCS), thu giữ không khí trực tiếp (DAC) loại bỏ CO2 trực tiếp khỏi không khí, thu giữ và lưu trữ carbon bằng năng lượng sinh học (BECCS).
Ứng dụng công nghệ xanh tại Việt Nam
Công nghệ xanh tại Việt Nam đang trở thành một lĩnh vực hấp dẫn với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp và nhà đầu tư, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa và biến đổi khí hậu đang đặt ra những thách thức lớn. Tại Việt Nam, các dự án liên quan đến năng lượng tái tạo, tái chế, và giảm tiêu thụ năng lượng đang nhận được sự quan tâm lớn, không chỉ từ phía chính phủ mà còn từ cộng đồng doanh nghiệp và các nhà đầu tư mạo hiểm.
Một lĩnh vực nổi bật trong việc ứng dụng công nghệ xanh ở Việt Nam là phát triển năng lượng tái tạo. Nước ta đã và đang thực hiện quá trình đẩy mạnh chuyển đổi năng lượng theo hướng giảm dần nguồn điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch, ưu tiên phát triển các nguồn năng lượng sạch, bền vững, giảm thiểu khí thải gây hiệu ứng nhà kính; tăng cường các hoạt động thu hút đầu tư phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo, như nhà máy năng lượng mặt trời, năng lượng gió, nhiệt điện,… theo tinh thần phát huy nội lực cũng như tăng cường sự hợp tác, hỗ trợ từ các đối tác và thu hút nguồn vốn FDI từ các doanh nghiệp lớn.
Việt Nam lọt top 10 nơi có công suất lắp đặt năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới năm 2020
(Nguồn: Visual Capitalist)
Trong những năm gần đây, Việt Nam đã chứng kiến sự bùng nổ của các startup công nghệ xanh, với nhiều dự án sáng tạo và tiềm năng. Việt Nam cũng đang nổi lên như một trung tâm năng lượng tái tạo, với công suất điện mặt trời hàng đầu khu vực và công suất năng lượng gió ngoài khơi đạt 600MW từ cuối năm 2020. Chính phủ Việt Nam đã đặt mục tiêu phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 vào năm 2050, thể hiện cam kết mạnh mẽ đối với việc bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Điều này tạo động lực cho các doanh nghiệp khởi nghiệp tập trung vào các giải pháp xanh, từ năng lượng sạch đến tái chế và giảm tiêu thụ năng lượng. Từ đó, giúp các doanh nghiệp nâng cao hiệu quả hoạt động, tiết kiệm chi phí và giảm tác động biến đổi khí hậu. Ví dụ, các trung tâm dữ liệu đang chuyển sang sử dụng các thiết bị điện toán hiệu quả hơn và phương pháp làm mát có trách nhiệm để giảm lượng khí thải carbon, theo VnEconomy.
Xu hướng ngành nghề trong tương lai
Sự phát triển của công nghệ xanh không chỉ tác động tích cực đến môi trường mà còn làm gia tăng đáng kể nhu cầu việc làm trong lĩnh vực này. Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) ước tính rằng đến năm 2030, nền kinh tế xanh có thể tạo ra 24 triệu việc làm mới trên toàn cầu. Những công việc này tập trung vào việc áp dụng các biện pháp bền vững trong lĩnh vực năng lượng, cụ thể là thay đổi cơ cấu năng lượng, thúc đẩy sử dụng xe điện và cải thiện hiệu quả năng lượng của các tòa nhà. Tại Việt Nam, một số ngành nghề có sẵn, liên quan đến công nghệ xanh vẫn đang khát nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao, có thể kể đến như:
Kỹ sư năng lượng tái tạo: Chuyên gia trong lĩnh vực này tập trung vào việc thiết kế, phát triển và duy trì các hệ thống năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió, và năng lượng sinh khối. Họ đóng vai trò quan trọng trong việc giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và giảm phát thải khí nhà kính. Hiện nay tại Việt Nam, nhu cầu nguồn nhân lực cho lĩnh vực này là rất lớn, với mức lương dao động cho ngành này từ 10 đến trên 30 triệu đồng/tháng, tùy thuộc vào trình độ và số năm kinh nghiệm làm việc. Ngoài ra, nhân sự còn có cơ hội làm việc với các tập đoàn năng lượng lớn của nước ngoài…
Chuyên gia quản lý chất thải và tái chế: Là những người giám sát và điều phối các hoạt động xử lý chất thải, phát triển các phương pháp xử lý và tái chế chất thải hiệu quả, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Họ cũng có thể tham gia vào việc lập kế hoạch và thực hiện các chương trình giáo dục cộng đồng về tái chế và quản lý chất thải. Hiện nay, nguồn nhân lực tham gia tái chế chất thải tại Việt Nam còn thiếu rất nhiều, dẫn đến nhu cầu cao về những chuyên gia được đào tạo chuyên môn về quản lý cũng như kỹ thuật tái chế để tiếp cận và nhận chuyển giao những công nghệ mới.
Kiến trúc sư/nhà thiết kế bền vững: Với sự gia tăng dân số và nhu cầu về không gian sống chất lượng cao, các dự án đô thị xanh đang trở thành xu hướng tất yếu. Các kiến trúc sư/nhà thiết kế đóng vai trò quan trọng trong việc thiết kế và phát triển các khu đô thị bền vững, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Họ tập trung vào việc tạo ra các công trình xanh, thân thiện với môi trường bằng cách sử dụng những vật liệu hữu cơ, các nguồn năng lượng tái tạo thay thế (năng lượng mặt trời, gió), các thiết bị tiết kiệm năng lượng... từ đó cải thiện chất lượng không khí và nước, cũng như tạo ra không gian sống lành mạnh cho cộng đồng.
Đại học xanh - UEH Green Campus
Hướng đến mục tiêu Đại học Đa ngành và Bền vững, UEH đang tích cực thúc đẩy lối sống xanh và phát triển công nghệ xanh tại các cơ sở. Dự án Living Lab Green Campus (hay còn gọi là Phòng Thí Nghiệm Sống) được tạo ra nhằm giải quyết vấn đề liên quan đến môi trường tại UEH, xây dựng một cộng đồng nhà nghiên cứu xanh, nỗ lực tạo ra tác động tích cực không chỉ giới hạn trong khuôn viên trường mà còn hướng đến cộng đồng rộng lớn hơn. Các bạn sinh viên UEH có thể tham gia vào hành trình trở thành “Công dân UEHer Xanh” bằng các hoạt động như củng cố kiến thức với Green Campus Game, sử dụng Tool AI phân loại rác, hay tìm hiểu các nghiên cứu về công nghệ xanh, lối sống xanh tại website https://gogreen.ueh.edu.vn/ nhé!
Lời kết
Nhìn chung, công nghệ xanh đang thực sự định hình lại nền kinh tế và môi trường trên toàn thế giới. Những thay đổi đáng kể mà công nghệ xanh mang lại không chỉ tác động tích cực đến môi trường mà còn hứa hẹn tiềm năng tăng trưởng kinh tế, thu hút đầu tư trực tiếp từ nước ngoài và hỗ trợ sản xuất bền vững. Tại Việt Nam, công nghệ xanh vẫn đang trên đà phát triển, đặc biệt là về lĩnh vực năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, song hành với nhiều cơ hội là những thách thức lớn, đơn cử như nhiều lĩnh vực đang khát nhân lực chất lượng cao. Vì vậy, việc ứng dụng thành công công nghệ xanh tại Việt Nam đòi hỏi nhiều nghiên cứu chuyên sâu, định hướng, chiến lược hiệu quả và rất nhiều nỗ lực.
Tin, ảnh: Phòng Chăm sóc và hỗ trợ người học
Tài liệu tham khảo
Hải, T. (2023, November 5). Những bạn trẻ học ngành này kiếm được hàng chục triệu đồng/tháng khi ra trường. Thanh Niên. Retrieved August 12, 2024, from https://thanhnien.vn/nhung-ban-tre-hoc-nganh-nay-kiem-duoc-hang-chuc-trieu-dong-thang-khi-ra-truong-185231105134216288.htm
Hứa, D. P. (2022, 11 14). Thực trạng và đề xuất giải pháp tái chế chất thải tại Việt Nam. Quản lý môi trường - Chuyên trang của Môi trường và đô thị. https://quanly.moitruongvadothi.vn/6/24492/Thuc-trang-va-de-xuat-giai-phap-tai-che-chat-thai-tai-Viet-Nam.aspx
Hùng, H. (2023, August 15). Giải pháp phát triển kinh tế tuần hoàn. VOV2. Retrieved August 12, 2024, from https://vov2.vov.vn/doi-song-xa-hoi/ung-dung-cong-nghe-xanh-de-phat-trien-ben-vung-44108.vov2
Huyền, N. (2023, December 8). Những đổi mới công nghệ xanh trong quản lý rác thải ở Đông Nam Á. VnEconomy. Retrieved August 12, 2024, from https://vneconomy.vn/techconnect//nhung-doi-moi-cong-nghe-xanh-trong-quan-ly-rac-thai-o-dong-nam-a.htm
Jark, D. (2024). What Is Green Tech? How It Works, Types, Adoption, and Examples. Investopedia. Retrieved August 12, 2024, from https://www.investopedia.com/terms/g/green_tech.asp#toc-types-of-green-tech
Kiên, P. (2023, October 17). Công nghệ mới trong xử lý nước thải. TẠP CHÍ ĐIỆN TỬ CÔNG NGHIỆP MÔI TRƯỜNG. Retrieved August 12, 2024, from https://congnghiepmoitruong.vn/cong-nghe-moi-trong-xu-ly-nuoc-thai-11562.html
Kiger, P. J., & Briggs, J. (2023, November 30). 10 Innovations in Water Purification | HowStuffWorks. Science | HowStuffWorks. Retrieved August 12, 2024, from https://science.howstuffworks.com/environmental/green-tech/sustainable/10-innovations-water-purification.htm
Linh, H. (2023, December 7). Thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng công nghệ xanh tại Việt Nam. Báo Nhân Dân. Retrieved August 12, 2024, from https://nhandan.vn/thuc-day-nghien-cuu-ung-dung-cong-nghe-xanh-tai-viet-nam-post786365.html
Linh, K. (2023, March 13). Đề xuất cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn. Báo điện tử Chính phủ. Retrieved August 12, 2024, from https://baochinhphu.vn/de-xuat-co-che-thu-nghiem-phat-trien-kinh-te-tuan-hoan-102230313103706199.htm
Nam, N. H. (2023, July 13). Một số mô hình và phương pháp phân loại xanh trong phát triển kinh tế tuần hoàn. tapchimoitruong.vn. Retrieved August 12, 2024, from https://tapchimoitruong.vn/nhin-ra-the-gioi-65/mot-so-mo-hinh-va-phuong-phap-phan-loai-xanh-trong-phat-trien-kinh-te-tuan-hoan-28771
Ngọc, B. (2023, December 21). Công nghệ xanh đang thay đổi nền kinh tế như thế nào? VnEconomy. Retrieved August 12, 2024, from https://vneconomy.vn/techconnect/cong-nghe-xanh-dang-thay-doi-nen-kinh-te-nhu-the-nao.htm
Phan, T., & Nguyễn, T. (2024, March 28). Một số vấn đề về phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam hiện nay: Thực trạng, tiềm năng và hàm ý giải pháp. Tạp chí Cộng sản. Retrieved August 12, 2024, from https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/nghien-cu/-/2018/906102/mot-so-van-de-ve-phat-trien-nang-luong-tai-tao-o-viet-nam-hien-nay--thuc-trang%2C-tiem-nang-va-ham-y-giai-phap.aspx
Thy, T. (2020, April 10). Kiến trúc bền vững: Những công trình "xanh" tại Việt Nam. Vietcetera. Retrieved August 12, 2024, from https://vietcetera.com/vn/kien-truc-ben-vung-nhung-cong-trinh-xanh-tai-viet-nam
Zaid, M. (2021, March 30). (PDF) Green Technology and its Implications Worldwide. ResearchGate. Retrieved August 12, 2024, from https://www.researchgate.net/publication/350443477_Green_Technology_and_its_Implications_Worldwide