Viet Nam Language English Language
Trang chủ / Podcast / [Podcast] UEH hướng đến trung hòa carbon: Bước đi đầu tiên

[Podcast] UEH hướng đến trung hòa carbon: Bước đi đầu tiên

28/08/2024

Chia sẻ

Từ khóa: net-zero, phát thải carbon, phạm vi phát thải, Việt Nam.

Làm thế nào để giảm lượng phát thải khí nhà kính là yêu cầu cấp bách đối với Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh (UEH) trên hành trình cam kết tiến đến “Net-Zero” hay “lượng phát thải ròng bằng 0” trong tương lai. Áp dụng phương pháp đánh giá vòng đời (LCA – Life-Cycle Assessment) theo tiêu chuẩn quốc tế quy định tại Nghị định thư khí nhà kính (GHG Protocol) của Viện Tài nguyên thế giới (WRI) và Hội đồng Doanh nghiệp Thế giới về Phát triển bền vững (WBCSD), nghiên cứu của nhóm tác giả UEH đã xem xét và đo lường các tác nhân gây phát thải tại UEH, từ đó đề xuất các biện pháp nhằm giảm lượng phát thải carbon giúp UEH nói riêng và các trường đại học nói chung đạt được mức trung hòa carbon trong 30-50 năm tới. 

Cam kết trung hòa carbon trong giáo dục Việt Nam

Trong lĩnh vực giáo dục, năm 2019 – lần đầu tiên mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học, bao gồm Liên minh Lãnh đạo về phát triển bền vững trong giảng dạy (UAEC), Second Nature và Liên minh Thanh niên và Giáo dục của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), đại diện cho hơn 7.000 trường học trên 6 lục địa đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp về khí hậu và kêu gọi các trường đại học cam kết đạt được “trung hòa carbon” muộn nhất vào năm 2030 hoặc 2050. Chiến lược Race to Zero của Liên Hiệp Quốc với sự tham gia của hơn 1.000 trường đại học và cao đẳng tại 68 quốc gia trên thế giới, đã đưa ra cam kết “net-zero”, tức là đạt mức phát thải ròng bằng 0 trước năm 2050. Việt Nam có 23 đơn vị, tổ chức tham gia vào chiến lược, bao gồm chính quyền, công ty, doanh nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) và trường học. Đáng chú ý, có 3 cơ sở giáo dục tham gia vào mạng lưới, bao gồm trường trung học và mầm non, tuy nhiên, không có bất cứ trường đại học nào. 

Trong khi đó, đại học đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục và định hướng tương lai cho thế hệ trẻ. Việc cam kết trung hòa carbon thể hiện trách nhiệm của đại học đối với cộng đồng và môi trường, khuyến khích sinh viên và nhân viên thực hiện các hành động giảm thiểu các tác động tiêu cực đến môi trường. Ngoài ra, cam kết trung hòa carbon là một trong những chỉ số quan trọng trong toàn bộ các bảng xếp hạng về bền vững. Cụ thể, chỉ số này thuộc SDG 7 và 13 trong bảng xếp hạng THE Impact ranking và là một trong các dữ liệu bắt buộc cung cấp tại bảng xếp hạng QS Sustainability. 

Năm 2021 đánh dấu một bước ngoặt lớn của Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh (UEH), khi tái cấu trúc trở thành Đại học Đa ngành và Bền vững (giai đoạn 2022 – 2030). Ban đề án Đại học bền vững được thành lập dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo Nhà trường cho thấy quyết tâm hướng đến các giá trị bền vững của Nhà trường trong toàn bộ các hoạt động giảng dạy, học tập và nghiên cứu. UEH được xem là đại học tiên phong và đi đầu tại Việt Nam trong việc thực hành các nỗ lực bền vững. “UEH Green Campus”, “UEH Zero Waste Campus” là các dự án đại học xanh đầu tiên tại Thành phố Hồ Chí Minh và Việt Nam được triển khai từ năm 2021 tại UEH với sự tham gia của toàn bộ sinh viên, giảng viên, viên chức và người lao động của Nhà trường. Quy định thực hành Đại học xanh được triển khai đồng bộ đối với toàn thể các đơn vị liên quan ở tất cả các cơ sở, ký túc xá của UEH và UEH – Vĩnh Long từ tháng 8/2023, cùng với nhiều hoạt động khác. Nỗ lực của UEH đã được ghi nhận khi lần đầu tham gia và đạt được một số các thứ hạng đáng chú ý trên các bảng xếp hạng uy tín về bền vững của thế giới như Top301+ THE Impact Ranking (dẫn đầu Việt Nam), Top 860 QS Sustainability (thứ 3 Việt Nam).  

Thực hiện cam kết trung hòa carbon là mục tiêu tất yếu mà UEH cần phải xem xét trên hành trình phát triển bền vững, thể hiện vị trí dẫn đầu của Nhà trường, nâng cao uy tín, thương hiệu, cũng như tiết kiệm chi phí dài hạn khi nguồn tài nguyên ngày càng cạn kiệt với các hiện tượng khí hậu khắc nghiệt ngày càng gia tăng trên phạm vi toàn cầu. 

Những bước đi đầu tiên của UEH

Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh bao gồm 10 cơ sở học tập và nghiên cứu cùng với 2 ký túc xá, tọa lạc tại Thành phố Hồ Chí Minh và Vĩnh Long. Năm 2023 trường có khoảng 26.000 sinh viên cùng với 756 giảng viên. Phạm vi nghiên cứu của bài viết bao gồm tất cả các cơ sở tại TP.HCM của nhà trường.

Nhóm tác giả đã sử dụng các phương pháp nghiên cứu dựa trên Quy định kỹ thuật đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và kiểm kê khí nhà kính lĩnh vực quản lý chất thải tại Thông tư số 17/2022/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường ngày 15/11/2022; Nghị định thư Khí nhà kính của WRI, WBCSD, theo phương pháp LCA tương ứng với từng loại dữ liệu, kết hợp thêm các phương pháp được đề xuất bởi Kiehle và cộng sự khi nhóm tác giả nghiên cứu về dấu chân carbon tại trường đại học Oulu, Phần Lan năm 2023.

Kết quả cho thấy UEH đã thải ra tổng cộng khoảng 5115.81 tấn CO2e trong năm 2023, tương đương 0.19 tấn CO2e/người. 

Bảng 1: Kết quả kiểm kê phát thải tại UEH năm 2023

Nội dung Số lượng (xe/người/đêm/MWh/m3/…) Số km Đơn vị Hệ số phát thải (EF) Tổng phát thải (tấn)
Phạm vi 1
Xe chạy xăng 3 35000 kg CO2e/km  0.248 26.04
Xe chạy dầu  5 35000 kg CO2e/km  0.284 49.7
Phạm vi 2
Điện  4672   tCO2e/MWh   0.6766 3161.08
Nước  157254   kg CO2e/m3 0.666 104.73
Phạm vi 3
Công tác
Chuyến bay ngắn    1424995 kg CO2e/khách/km 0.153 218.02
Chuyến bay dài    689241 kg CO2e/khách/km 0.192 132.33
Khách sạn  217728   kg CO2e/phòng/đêm Tùy quốc gia 25.90
Phương tiện di chuyển cá nhân
Xe máy  3574800 14.2 kg CO2e/km  0.01209 613.71
Ô tô  397200 14.2 kg CO2e/km  0.00221 12.46
Bus 117000 14.2 kg CO2e/km  0.0029 4.82
Xử lý rác thải 
Rác thải hữu cơ  34.456   kg CO2e/t waste  50 1.72
Thủy tinh  6.0955   kg CO2e/t waste  13.17 0.08
Giấy  28.835   kg CO2e/t waste  72.55 2.09
Gỗ  1.0585   kg CO2e/t waste  142.5 0.15
Kim loại phế liệu  1.7885   kg CO2e/t waste  17.9 0.03
Pin  0.0365   kg CO2e/t waste  927.58 0.03
Chất thải loại khác  66.4665   kg CO2e/t waste  400 26.59
Vận chuyển rác thải  138.7365 49640 kg CO2e/tonne-km 0.1 688.69
Thiết bị công nghệ thông tin
Điện thoại  756   kg CO2e/cái 51.07 38.61
Máy tính  519   kg CO2e/cái 8.26 4.29
In ấn  5219   kg CO2e/kg 0.905 4.72
TỔNG CỘNG 5115.81

Trong đó, “dấu chân” carbon cao nhất được ghi nhận từ hoạt động tiêu thụ điện, chiếm 62% tổng lượng phát thải. Theo sau đó là phát thải từ xử lý rác thải và phương tiện cá nhân, với tương ứng 14% và 12%. Công tác chiếm 7% tổng lượng carbon, còn lại là phát thải từ phương tiện đi lại của trường, tiêu thụ nước và thiết bị công nghệ thông tin.

Hiện tại, Việt Nam vẫn chưa có trường đại học nào công bố kết quả kiểm kê phát thải trong khuôn viên trường, do đó, tác giả sử dụng kết quả từ một số trường trong khu vực so sánh với UEH (Hình 2), bao gồm Trisakti University (Indonesia), Universiti Malaya (Malaysia) và 3 trường từ Thái Lan: Thammasat University, Valaya Alongkorn Rajabhat University và Chulalongkorn University. Có thể thấy, tổng lượng phát thải hàng năm tại UEH (5115.81 tấn CO2e) đạt mức trung bình cao trong khu vực, cao hơn các trường Universiti Malaya, Thammasat University, chỉ thấp hơn trường ở Indonesia (11994.86 tấn CO2e). Lượng phát thải tính theo đầu người của UEH đạt mức 190kg CO2e/người, cao hơn Universiti Malaya, Valaya Alongkorn Rajabhat University, nhưng thấp hơn Chulalongkorn University. 

Phát thải từ nguồn điện tiêu thụ chiếm tỷ lệ cao nhất, kết quả này đồng nhất với một số các trường đại học khác trong khu vực như Thammasat university (chiếm 78.55% tổng lượng phát thải), và Universiti Malaya với khoảng 55% phát thải từ điện. Điều này cho thấy tầm quan trọng của các giải pháp tiết kiệm điện hoặc thay thế bằng nguồn năng lượng tái tạo, như đã được áp dụng tại University of Oulu hay Universiti Malaya. 

Kết quả tính toán lượng phát thải carbon cung cấp một khởi đầu cho việc xem xét các chiến lược giảm tác động đến môi trường và tăng tính bền vững của UEH trên hành trình tiến đến xây dựng mô hình trường đại học bền vững trong tương lai. Theo đó, hiểu biết về nguồn gốc phát thải cũng như cách thức đo lường, kiểm kê phát thải là tiền đề cho chiến lược cam kết giảm phát thải, không chỉ cho riêng UEH mà cả các trường đại học khác tại Việt Nam. Qua đó khẳng định vai trò dẫn đầu của UEH đối với các hoạt động phát triển bền vững. Tiến đến “net-zero” trong vòng 30-50 năm tới là mục tiêu hoàn toàn có thể đạt được nếu chúng ta có chính sách giảm phát thải phù hợp, với mục tiêu được đề ra hàng năm và kiên định với mục tiêu đó. 

Việc thành lập một nhóm chuyên trách cùng với các chính sách bền vững được áp dụng trên toàn bộ các hoạt động nhà trường là yêu cầu thiết yếu trên tiến trình trung hòa carbon tại trường đại học. Các giải pháp cần được tiến hành đồng bộ, trên cơ sở xem xét toàn bộ các nguồn phát thải theo từng hoạt động tại trường, dựa vào hai chỉ số cơ bản nhưng quan trọng là số lượng và hệ số phát thải. Một số giải pháp chính có thể kể đến như chính sách tiết kiệm năng lượng, chuyển đổi sang nguồn năng lượng tái tạo, cải tạo cơ sở vật chất cũ theo hướng bền vững (sử dụng kính trong các thiết kế nhằm tận dụng ánh sáng mặt trời), giảm rác thải, nhất là các loại rác thải có hệ số phát thải lớn như pin và chất thải độc hại, ưu tiên tổ chức họp trực tuyến nhằm giảm các chuyến công tác có khoảng cách ngắn hoặc sử dụng phương tiện thân thiện với môi trường…

Xem toàn bộ bài nghiên cứu UEH hướng đến trung hòa carbon: Bước đi đầu tiên TẠI ĐÂY.

Nhóm Tác giả: ThS. Nguyễn Thị Ngọc Liên, ThS. Võ Đức Hoàng Vũ – Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh.

Đây là bài viết nằm trong Chuỗi bài lan tỏa nghiên cứu và kiến thức ứng dụng từ UEH với thông điệp “Research Contribution For All – Nghiên Cứu Vì Cộng Đồng”, UEH trân trọng kính mời Quý độc giả cùng đón xem bản tin UEH Research Insights tiếp theo.

Tin, ảnh: Tác giả, Phòng Marketing – Truyền thông UEH

Giọng đọc: Thanh Kiều

UEH GREEN CAMPUS PROJECT

UEH Green Campus do Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh (UEH) phối hợp cùng Liên minh không rác Việt Nam (Vietnam Zero Waste Alliance - VZWA) và các đối tác môi trường, kinh tế tuần hoàn thực hiện. Dự án đạt giải Quán quân Cuộc thi quốc tế ""Thử thách thành phố không rác thải"" do Waste Aid thế giới tổ chức.

2021

RETHINK - BE GREEN

Xây dựng nền tảng
Triển khai các thí
điểm tại Campus Nguyễn Văn Linh

2022

UEH
GREEN CITIZENS

Công dân UEH xanh
Nhân rộng Zero Waste
Campus A, B, Vĩnh Long

2023

UEH
GREEN PARTNERS

Đối tác xanh
Nhân rộng các cơ sở

2024

UEH
GREEN COMMUNITY

Cộng đồng UEH xanh
Hệ sinh thái UEH xanh

2025

UEH
GREEN CAMPUS

HÃY THAM GIA CÙNG CHÚNG TÔI
NGAY HÔM NAY!

Tham gia Đóng góp