Viet Nam Language English Language
Trang chủ / Podcast / [Podcast] Phát triển kinh tế - tài chính, hội nhập toàn cầu và giải pháp môi trường ở các quốc gia Châu Á giai đoạn 2006-2019

[Podcast] Phát triển kinh tế - tài chính, hội nhập toàn cầu và giải pháp môi trường ở các quốc gia Châu Á giai đoạn 2006-2019

20/06/2024

Chia sẻ

 

Từ khóa: Tăng trưởng kinh tế; Phát triển tài chính; Toàn cầu hóa; Môi trường; EKC; Giả thuyết nơi ẩn giấu ô nhiễm; Giả thuyết cải thiện ô nhiễm; COP21.

Chủ đề môi trường luôn là trọng tâm của các chương trình nghị sự quốc tế của Liên hợp quốc và cần sự chung tay của tất cả các quốc gia. Nhằm mang đến những hàm ý chính sách kinh tế cho các quốc gia châu Á hướng tới chiến lược phát triển môi trường bền vững, nhóm nghiên cứu sinh viên Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh (UEH) đã thực hiện bài nghiên cứu: “Tác động của tăng trưởng kinh tế, phát triển tài chính và xu hướng toàn cầu hóa đến chất lượng môi trường: Bằng chứng thực nghiệm tại các quốc gia châu Á”. 

Môi trường và biến đổi khí hậu

Biến đổi khí hậu đã và đang là vấn đề cấp bách toàn cầu, đặt ra những thách thức chưa từng có đối với sự tồn tại và phát triển của con người. Nóng lên toàn cầu, mực nước biển dâng cao, tuyệt chủng động thực vật, khan hiếm lương thực,... là những hệ quả nghiêm trọng mà chúng ta phải đối mặt. Theo NASA (2022), nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng 1,31°C so với 1909, mực nước biển dâng 98,5 mm so với 1993 và CO2 trong khí quyển đạt mức cao nhất trong 650.000 năm qua. Uỷ ban Liên Chính phủ về Biến đổi khí hậu (Intergovernmental Panel on Climate Change - IPCC)   cảnh báo, băng tan chảy, mực nước biển dâng cao, nhiệt độ tăng có thể phá hủy 50% khu vực ven biển. Tổn thất do biến đổi khí hậu còn cao hơn cả hai cuộc chiến tranh thế giới.

Chính vì điều này, một thỏa thuận mang tính toàn cầu - Thỏa thuận Paris đã ra đời tại Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP21) với mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 2°C, hướng đến 1,5°C. Tuy nhiên, kết quả thực tế vẫn chưa đạt được như kỳ vọng khi báo cáo khí hậu vào tháng 7/2023, tháng nóng nhất trong 120.000 năm qua, cho thấy sự ấm lên toàn cầu sẽ vượt xa con số 1,5°C. Trước tình trạng này, Hội nghị lần thứ 26 Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) đã thúc giục các quốc gia cam kết giảm phát thải, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Hiểu rõ nguyên nhân là chìa khóa giải quyết. Theo đó, phát thải CO2 từ hoạt động kinh tế, đặc biệt ở các nước đang phát triển, được cho là nguyên nhân chính gây biến đổi khí hậu. Tuy vậy, trong quá trình nghiên cứu tác nhân gây ô nhiễm, vẫn còn nhiều tranh cãi và chưa tìm được thống nhất chung cả về mặt lý thuyết lẫn kiểm định thực nghiệm về tác động giữa vấn đề kinh tế - môi trường, trong đó bao gồm tăng trưởng kinh tế, phát triển tài chính và toàn cầu hóa các nền kinh tế trên thế giới. Đây là động lực to lớn cho nhóm nghiên cứu UEH tiến hành thực hiện bài báo cáo này, với dữ liệu của 34 quốc gia ở châu Á trong giai đoạn 2006-2019. 

Các phát hiện quan trọng

Qua phương pháp kinh tế lượng hồi quy với các mô hình: Mô hình hồi quy gộp (Pooled OLS), mô hình tác động cố định (FEM), mô hình tác động ngẫu nhiên (REM) và phương pháp ước lượng GLS khả thi (FGLS), nhóm nghiên cứu UEH đã kiểm tra được những tác động tiêu biểu sau:

*Tác động của tăng trưởng kinh tế đến ô nhiễm môi trường (phát thải CO2)

Tăng trưởng kinh tế làm tăng lượng khí thải CO2 trong giai đoạn đầu và sẽ phục hồi môi trường vào giai đoạn phát triển sau. Kết quả ước lượng này phù hợp với hàm ý về tác động hình chữ U ngược giữa tăng trưởng kinh tế và ô nhiễm môi trường theo giả thuyết Đường cong môi trường Kuznet - EKC (Grossman và Krueger, 1991). Kết quả hàm ý, đặc điểm của nền kinh tế đang phát triển luôn đặt trọng tâm phát triển gắn với công nghiệp hóa, hướng tới mục tiêu năng suất kinh tế và thường có sự nhượng bộ về môi trường. Bằng chứng về sự tồn tại EKC đã đưa ra tín hiệu tích cực đối với môi trường: khi tăng trưởng đến “ngưỡng”, thay vì chỉ chú trọng vào các mục tiêu phát triển kinh tế, những quốc gia ở châu Á sẽ thắt chặt hơn về kiểm soát môi trường và cải tiến công nghệ sản xuất theo hướng bền vững, đồng thời gia tăng sử dụng năng lượng thay thế, từ đó tăng trưởng sẽ mang những phản hồi tích cực đến chất lượng môi trường trong tương lai. 

*Tác động của phát triển tài chính đến ô nhiễm môi trường

Phát triển tài chính làm giảm ô nhiễm môi trường, hàm ý rằng: Quốc gia có thị trường tài chính phát triển hơn sẽ có chất lượng môi trường cao hơn do các dòng vốn đầu tư sẽ được phân phối hiệu quả đến các dự án xanh, các doanh nghiệp sẽ hưởng lợi do được tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn, giảm gánh nặng chi phí vốn để đổi mới công nghệ (Patel và Mehta, 2023; Dogan và cộng sự, 2022).

*Tác động của toàn cầu hóa kinh tế đến ô nhiễm môi trường 

Sự mở rộng toàn cầu hóa làm giảm lượng phát thải CO2 ra môi trường. Qua nghiên cứu, có thể thấy “hiệu ứng cải thiện môi trường” từ lan tỏa hội nhập có hiệu quả đáng kể ở nhóm các nước có thu nhập thấp và đang phát triển (Koengkan và cộng sự, 2020; Bilgili và cộng sự, 2019). Đồng thời, nghiên cứu hàm ý rằng các quốc gia châu Á, đặc biệt là các nước đang phát triển đã có sự cẩn trọng và quản lý chặt chẽ hơn các tác động chuyển di nguồn ô nhiễm trong quá trình hội nhập qua các dòng vốn FDI “bẩn” theo “Giả thuyết nơi ẩn dấu ô nhiễm”. Kết quả ước lượng góp phần ủng hộ tiến trình hội nhập kinh tế ở các quốc gia châu Á, khi đó đang là một quá trình tất yếu trong bối cảnh hiện nay.

Hàm ý chính sách cho các quốc gia châu Á

Dựa trên các kết quả nghiên cứu có được, nhóm nghiên cứu UEH muốn thông qua mối tương quan cũng như những tác động của tăng trưởng kinh tế, phát triển tài chính và xu hướng toàn cầu hóa lên môi trường để từ đó hàm ý những cơ sở khoa học đáng xem xét trong việc xây dựng chính sách phát triển bền vững, giải pháp cũng như khuyến nghị giúp bảo vệ môi trường ở khu vực các nước châu Á, đặc biệt trong bối cảnh mà toàn cầu hóa là một xu hướng khó có thể cưỡng lại. 

Theo đó, các quốc gia cần có các quy định nghiêm ngặt hơn về môi trường: chẳng hạn như thiết lập các tiêu chuẩn gia nhập thị trường cụ thể cho các doanh nghiệp thuộc ngành nghề, lĩnh vực gây ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, cần thiết lập các loại thuế và mức phạt về bảo vệ môi trường để các doanh nghiệp thận trọng hơn trong các hoạt động sản xuất kinh doanh, không thực hiện bừa bãi các hoạt động gây ô nhiễm. Cần đề ra các quy định giới hạn về khí thải; doanh nghiệp phải tiết lộ, công bố công khai thông tin liên quan đến môi trường và biện pháp xử lý khí thải. Đặc biệt, cần tăng cường hướng dẫn, giám sát và kiểm tra việc tuân thủ pháp luật bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp; phải tạo ra cơ chế và chính sách để thu hút đầu tư vào lĩnh vực xử lý khí thải, nước thải, chất thải rắn và vệ sinh môi trường đô thị... Cần hoàn thiện các quy định về chế tài xử phạt vi phạm pháp luật đủ sức răn đe trong lĩnh vực môi trường. Cần tiến hành nghiên cứu bổ sung chế tài xử phạt theo mức xả thải thực tế thay vì tuân theo mức tối đa hoặc tối thiểu như hiện tại.

Đẩy mạnh “tài chính xanh” ở các quốc gia châu Á: Phát triển hệ thống tài chính nhưng phải đồng thời thiết lập các tiêu chí chọn lọc đầu tư thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhưng vẫn tập trung vào việc bảo vệ môi trường. Khái niệm "tài chính xanh" đề cập đến các hoạt động đầu tư liên quan đến sự tương tác hai chiều giữa lĩnh vực môi trường và lĩnh vực tài chính. Các thuật ngữ liên quan bao gồm: đầu tư có trách nhiệm (RI); quản lý môi trường, xã hội và quản trị (ESG); tài chính bền vững và tài chính liên quan đến biến đổi khí hậu. Tài chính xanh thúc đẩy việc phát triển và sử dụng các nguồn năng lượng mới, sản xuất hàng hóa xanh, và ứng dụng nông nghiệp sinh thái thông qua việc cung cấp cho vay với lãi suất ưu đãi cho các doanh nghiệp. Đồng thời, cũng hạn chế các dự án mới có khả năng gây ô nhiễm từ các doanh nghiệp, đồng thời áp dụng lãi suất cao. Như các ngân hàng hay các tổ chức tín dụng, cho vay có thể phát triển các sản phẩm tài chính xanh như cổ phiếu, trái phiếu xanh,... và thị trường xanh hướng tới tăng trưởng kinh tế. Nâng cao hơn nữa các chính sách phát triển tài chính xanh gắn liền với các thỏa thuận và hiệp ước bảo vệ môi trường ở tầm quốc tế, khu vực, quốc gia và từng ngân hàng. Bằng các khoản vay tài chính xanh cho doanh nghiệp: phát hành các khoản vay thông thường, khoản vay công, bảo lãnh công, quỹ công cộng, bảo hiểm công, cho các doanh nghiệp đã góp phần xây dựng tài chính xanh. Qua đó, góp phần làm nhằm giảm thiểu các tác động xấu đến môi trường và thúc đẩy hệ sinh thái công nghiệp xanh. Ngoài ra, các quốc gia châu Á nên thúc đẩy việc sử dụng năng lượng tái tạo để giảm tối đa tác động tiêu cực đến môi trường một khi kinh tế càng phát triển.

Đẩy mạnh chuyển đổi sử dụng năng lượng tái tạo: Kết quả nghiên cứu cho thấy có sự tương quan dương trong tác động của sử dụng nhiên liệu hóa thạch đến ô nhiễm môi trường ở châu Á. Do đó, các chính sách bổ sung cần được thực hiện để cải thiện hơn nữa hiệu suất năng lượng. Ví dụ, nâng cấp cấu trúc năng lượng bằng cách khám phá các nguồn năng lượng sạch hơn và tái tạo (ví dụ: năng lượng gió, thủy điện và năng lượng mặt trời) có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn khủng hoảng năng lượng và tăng hiệu quả sử dụng năng lượng, giúp giảm lượng khí thải và thực hiện phát triển các-bon thấp. Cần khuyến khích đầu tư và cung cấp nhiều nguồn lực hơn vào phát triển các doanh nghiệp trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.

Thêm vào đó, mỗi quốc gia cần quyết tâm hơn tuân thủ nghiêm túc các thỏa thuận môi trường quốc tế, ở đây là Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu của các quốc gia trong Liên Hợp Quốc trong một nỗ lực chung về bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu tại COP21. Đồng thời, cộng đồng quốc tế cần gia tăng áp lực đối với các quốc gia thiếu trách nhiệm trong cam kết bảo vệ môi trường của mình.

Xem bài viết Tác động của tăng trưởng kinh tế, phát triển tài chính và xu hướng toàn cầu hóa đến chất lượng môi trường: Bằng chứng thực nghiệm tại các quốc gia châu Á TẠI ĐÂY.

Nhóm tác giả: Nguyễn Sỹ Bình, Nguyễn Ngọc Huyền - Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh. 

Đây là bài viết nằm trong chuỗi bài Cộng đồng nghiên cứu xanh với thông điệp “Research Contribution for UEH Living Lab Green Campus”, UEH trân trọng kính mời cộng đồng cùng đón xem bản tin Cộng đồng nghiên cứu xanh tiếp theo.

*Nhằm tạo điều kiện tối đa để phát triển “Cộng đồng nhà nghiên cứu xanh UEH”, các thành viên trong cộng đồng sẽ được tham dự lớp phương pháp nghiên cứu khoa học liên quan đến chủ đề Living lab, Green Campus. Bên cạnh đó, khi sản phẩm đạt tiêu chuẩn, nhóm nghiên cứu sẽ nhận được Giấy chứng nhận của Ban Đề án Đại học bền vững UEH và kinh phí hỗ trợ đối với một đề tài đạt tiêu chuẩn.

Bài viết thuộc SDG 8 - Decent work and economic growth

Mục tiêu 8 là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn diện và bền vững, việc làm và việc làm bền vững cho tất cả mọi người. Duy trì tăng trưởng kinh tế bình quân đầu người phù hợp với hoàn cảnh quốc gia và đặc biệt là tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội ít nhất 7% mỗi năm, đạt được mức năng suất kinh tế cao hơn thông qua đa dạng hóa, nâng cấp và đổi mới công nghệ, thúc đẩy các chính sách định hướng phát triển hỗ trợ các hoạt động sản xuất, tạo việc làm bền vững, khởi nghiệp, sáng tạo và đổi mới. Bên cạnh đó, nâng cao hiệu quả sử dụng và sản xuất tài nguyên toàn cầu, bảo vệ quyền lao động và thúc đẩy môi trường làm việc an toàn và đảm bảo cho tất cả người lao động, tăng cường năng lực của các tổ chức tài chính trong nước để khuyến khích và mở rộng khả năng tiếp cận các dịch vụ ngân hàng, bảo hiểm và tài chính cho tất cả mọi người. Xây dựng và triển khai chiến lược toàn cầu về việc làm cho thanh niên và thực hiện Hiệp ước Việc làm Toàn cầu của Tổ chức Lao động Quốc tế,...

SDG 13 - Climate action:

Thực hiện những biện pháp để chống lại biến đổi khí hậu và hậu quả của nó bằng cách tăng cường khả năng phục hồi và thích ứng với các hiểm họa liên quan đến khí hậu và thiên tai ở tất cả các quốc gia, lồng ghép các biện pháp biến đổi khí hậu vào các chính sách, chiến lược và quy hoạch quốc gia.

Cải thiện giáo dục, nâng cao nhận thức và năng lực của con người và thể chế về giảm thiểu, thích ứng, giảm thiểu tác động và cảnh báo sớm với biến đổi khí hậu. Thực hiện cam kết của các quốc gia phát triển tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, thúc đẩy các cơ chế nâng cao năng lực lập kế hoạch và quản lý hiệu quả liên quan đến biến đổi khí hậu ở các quốc gia kém phát triển nhất.

SDG 17 - Partnership for the goals: 

Mục tiêu 17 là khôi phục quan hệ đối tác toàn cầu vì sự phát triển bền vững. Để đạt được điều đó trong lĩnh vực tài chính cần tăng cường huy động nguồn lực trong nước, các nước phát triển thực hiện đầy đủ các cam kết viện trợ phát triển chính thức của mình, huy động các nguồn tài chính bổ sung cho các nước đang phát triển từ nhiều nguồn, hỗ trợ các nước đang phát triển đạt được tính bền vững về nợ dài hạn thông qua các chính sách phù hợp.

Đối với lĩnh vực công nghệ, cần tăng cường hợp tác khu vực và quốc tế về tiếp cận khoa học, công nghệ và đổi mới. Thúc đẩy phát triển, chuyển giao, phổ biến các công nghệ thân thiện với môi trường cho các nước đang phát triển.

Về phương diện xây dựng năng lực, cần tăng cường hỗ trợ quốc tế để thực hiện xây dựng năng lực có mục tiêu và hiệu quả ở các nước đang phát triển nhằm hỗ trợ các kế hoạch quốc gia nhằm thực hiện tất cả các mục tiêu phát triển bền vững. 

Trong lĩnh vực thương mại, thúc đẩy một hệ thống thương mại đa phương phổ quát, dựa trên quy tắc, cởi mở, không phân biệt đối xử và công bằng trong Tổ chức Thương mại Thế giới. Thực hiện kịp thời việc tiếp cận thị trường miễn thuế và miễn hạn ngạch trên cơ sở lâu dài cho tất cả các nước kém phát triển nhất, phù hợp với các quyết định của Tổ chức Thương mại Thế giới.

Tin, ảnh: Tác giả, Đoàn Thanh niên - Hội sinh viên UEH, Phòng Marketing - Truyền thông UEH. 

Giọng đọc: Ngọc Quí. 

 

HÃY THAM GIA DỰ ÁN CÙNG ZEEN
NGAY HÔM NAY