Viet Nam Language English Language
Trang chủ / Green Monday Series / [GREEN MONDAY SERIES] #1: Tử tế với môi trường chính là tử tế với chính bản thân chúng ta

[GREEN MONDAY SERIES] #1: Tử tế với môi trường chính là tử tế với chính bản thân chúng ta

28/08/2023

Chia sẻ

Chúng ta đang cùng sống trên Trái Đất thân yêu vì vậy bất cứ một tổn hại nào chúng ta gây ra cho Trái Đất này chính chúng ta sẽ là người gánh chịu lấy những hậu quả xấu đó. Đôi khi chỉ một hành động nhỏ nhưng vô tình lại mang đến những tác động lớn cho ngôi nhà chung, cho mẹ thiên nhiên và cho chính sức khỏe của chúng ta. 

Con người đã tàn phá thiên nhiên và môi trường như thế nào?

Mỗi năm hàng chục ngàn ha rừng bị tàn phá do nạn phá rừng lấy gỗ, cháy rừng, sạt lở,... gây nên tổn thương sâu sắc cho mẹ thiên nhiên. Đồng thời, môi trường cũng trở nên ô nhiễm nặng nề hơn do việc xả rác bừa bãi, xả thải ra tự nhiên khi chưa xử lý theo quy định, ảnh hưởng của việc rừng bị tàn phá nặng nề. Tất cả gây nên những biến đổi nặng nề về mặt tự nhiên như khí hậu ngày càng khắc nghiệt, thiên tai bão lũ ngày càng dữ dội, hệ sinh thái đang dần mất đi thế cân bằng vốn có của nó và những ảnh hưởng to lớn đến con người mà chúng ta không thể lường trước được. 

Chỉ còn 0,25% rừng nguyên sinh còn nguyên

Theo thông tin thu thập tại Hội nghị toàn quốc về công tác quản lý rừng đặc dụng vào năm 2019 Việt Nam đã đạt 14,6 triệu ha đất có rừng với độ che phủ ước đạt 42% nhưng rừng nguyên sinh trên lãnh thổ quốc gia chỉ còn 0,25%. Vậy năm 2023, tương lai của rừng nguyên sinh sẽ thế nào?

Diện tích rừng tự nhiên hiện còn rất ít và chất lượng rừng rất thấp. Cũng là rừng tự nhiên nhưng xưa là rừng giàu và trung bình, giờ là rừng nghèo và rừng kiệt.

Từ những số liệu trên chúng ta có thể thấy được những tác hại khi rừng nguyên sinh đang dần biến mất như mất đi ngôi nhà của các loài động vật, mất sự cân bằng của hệ sinh thái, mưa bão diễn biến ngày càng phức tạp và đặc biệt là bầu không khí chung của chúng ta ngày càng trở nên ô nhiễm. Vậy nên việc bảo vệ rừng là rất quan trọng, nó gắn liền với mục tiêu phát triển bền vững thứ 13 của Liên Hợp Quốc đó là Hành động vì khí hậu, chúng ta phải chung tay cùng hành động để bảo vệ bầu không khí chung của chúng ta. Trồng rừng, bảo vệ rừng chính là bảo vệ lá phổi xanh của Trái Đất.

Ý thức xã hội và cộng đồng

Để giải quyết vấn đề về môi trường trước hết chúng ta phải nâng cao ý thức chung của toàn xã hội cũng như ý thức của từng cá nhân. Phá hoại đến rừng, xả rác ra môi trường gây hại đến tự nhiên đều do chính con người thực hiện và những việc làm trên hầu hết xuất phát  từ ý thức cá nhân của mỗi người chưa cao cần có những biện pháp tuyên truyền và tiếp cận phù hợp để đem đến thông tin hiệu quả và chính xác nhất cho từng người góp phần nâng cao ý thức cá nhân cũng như ý thức cộng đồng. Bên cạnh đó để hạn chế việc tổn hại đến môi trường, Nhà nước cũng đưa ra một số chế tài đảm bảo người dân thực hiện đúng trách nhiệm, không làm những việc gây ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên, góp phần phục hồi lại môi trường một cách hiệu quả nhất. 

1/1/2025 cá nhân, hộ gia đình bị phạt tiền nếu không phân loại rác thải

Rác thải đang chính là một mối nguy hại lớn gây ảnh hưởng rất lớn đến Trái Đất của chúng ta. Việc vứt rác, xả rác không phân loại, không đúng nơi quy định làm tăng rất nhiều mối nguy hại đến chúng ta, vừa gây ô nhiễm đồng thời còn gây mất mỹ quan. Việc xả chất thải ra môi trường khi chưa xử lý theo quy định cũng gây ảnh hưởng rất lớn đến môi trường, gián tiếp phá hủy hệ sinh thái ở nơi bị xả thải và còn rất nhiều tác động xấu khác. Để bảo vệ môi trường sống một cách hiệu quả, Chính phủ đã đưa ra quy định về việc phân loại và xử lý rác thải, chất thải. Cụ thể, từ ngày 1/1/2025, phân loại chất thải rắn sinh hoạt là việc làm bắt buộc với mọi cá nhân và hộ gia đình theo Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 7/7/2022 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. 

Một số chế tài nhằm thúc đẩy phân loại rác tại nguồn như sau:

- Hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt và không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt theo quy định có thể bị phạt tiền từ 500.000 - 1.000.000 đồng.

- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ rác thải trên vỉa hè, lòng đường hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị; đổ nước thải không đúng quy định trên vỉa hè, lòng đường phố; thải bỏ chất thải nhựa phát sinh từ sinh hoạt vào ao hồ, kênh rạch, sông, suối, biển…

- Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ rác thải, đổ nước thải không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng.

- Nghị định cũng phạt tiền từ 100.000 đồng đến 150.000 đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ đầu, mẩu, tàn thuốc lá không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng.

- Phạt tiền từ 150.000 đồng đến 250.000 đồng đối với hành vi vệ sinh cá nhân (tiểu tiện, đại tiện) không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng.

Hãy chung tay cùng nhau bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sống của chúng ta và cả các loài động vật ngoài kia. Gắn với hai mục tiêu phát triển bền vững số 14 và 15 của Liên Hợp Quốc, bảo vệ môi trường sống cả trên đất liền và môi trường biển chính là góp phần bảo vệ cả hệ sinh thái trên hành tinh này. Một hành động nhỏ của chúng ta sẽ góp phần bảo vệ môi trường lớn. Ai cũng yêu ngôi nhà của mình vì vậy hãy hành động để bảo vệ nó đừng để ngôi nhà của chúng ta bị tác động bởi những tác nhân tiêu cực khi chính chúng ta có thể bảo vệ được nó.

"Mình tử tế với môi trường không phải vì xã hội như thế nào, mà là vì mình như thế nào. Tử tế với môi trường là tử tế với chính mình. Không ai muốn sống trong môi trường mà xung quanh toàn rác cả." 


Đã đến lúc UEHer hành động, hãy thực hành các nguyên tắc Đại học xanh như:
- Thực hành tiết kiệm giấy, giấy và giấy! (Quan trọng nhắc lại 3 lần);
- Tiết kiệm tài nguyên: đèn điện, máy lạnh, các thiết bị điện, nước rửa, nước uống tại bình;
- Phân loại rác thải tại nguồn;
- Hãy yêu Rừng bằng hành động!

Xem chi tiết thực hành các nguyên tắc Đại học xanh ngay tại đây: https://gogreen.ueh.edu.vn/.../thuc-hanh-cac-nguyen-tac…

---------------------------------------

TẠI SAO PHẢI BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG NGAY BÂY GIỜ?

Bạn có biết theo một thống kê của NOA, vào năm 2023 Trái Đất đã nóng hơn 1,18 độ C so với thời kỳ tiền Công nghiệp. Và từ thời điểm này cho đến khi Trái Đất vượt điểm giới hạn đạt - vượt ngưỡng 1,5 độ C khiến các hệ thống tự nhiên vận hành trên Trái Đất sẽ vượt qua một ngưỡng nguy hiểm mà những ảnh hưởng gây ra là không thể "cứu vãn". Chúng ta chỉ còn có thể phát thải khoảng 250 tỷ tấn CO2 thôi, nhưng mỗi năm thế giới đã thải ra 40 tấn CO2. Vì vậy, chúng ta cần hành động để thay đổi trước khi mọi thứ quá muộn. 

---------------------------------------

UEH Green Campus - Green Monday Series “Monday to be better and greener” là một series nội dung thuộc dự án UEH Green Campus, chia sẻ những thông tin mới nhất, thú vị và nổi bật về môi trường, lối sống xanh và quy định đại học xanh UEH nhằm xây dựng một cộng đồng cùng chung tay vì một đại học xanh trên mọi phương diện. 

“It’s time for go green” - Nếu bạn chưa biết bắt đầu việc sống xanh từ đâu, hãy bắt đầu từ Thứ Hai của mỗi tuần.

Tin, ảnh: Dự án UEH Green Campus

 

HÃY THAM GIA DỰ ÁN CÙNG ZEEN
NGAY HÔM NAY