Viet Nam Language English Language
Trang chủ / Tin mới nổi bật / Green Monday - Green Campus Series: Làm sao để phân loại nhựa? Bản chất của chúng là gì? (tổng hợp 7 loại nhựa)

Green Monday - Green Campus Series: Làm sao để phân loại nhựa? Bản chất của chúng là gì? (tổng hợp 7 loại nhựa)

26/12/2023

Chia sẻ

Chúng ta đang sống trong thế giới mà nhựa xuất hiện ở khắp mọi nơi, điều đó cũng đủ để chứng minh bản chất tiện lợi và hữu dụng của chúng. Tuy nhiên, nếu mọi người sử dụng đồ nhựa sai cách (dùng nhựa khi không cần thiết, không tái sử dụng gây lãng phí và vứt bỏ sai quy định, không phân loại rác để xử lý) thì vô tình chúng ta đã gắn mác tiêu cực lên vấn đề sử dụng đồ nhựa, từ đó sẽ xuất hiện sự hiểu lầm rằng nhựa gây ra nhiều hậu quả cho môi trường cũng như ảnh hưởng đến sức khỏe của con người.

Chính vì vậy, trong thời gian này, Zeen Zeen sẽ giúp các bạn tìm hiểu kĩ hơn về bản chất của từng loại nhựa theo mã nhận diện nhựa (Resin Identification Code). Giúp bạn có thể nhận biết các loại nhựa qua:
- Hình dáng
- Công dụng
- Phân biệt nhiệt độ sử dụng của từng loại nhựa khác nhau

Để từ đó mọi người có thể phân biệt và sử dụng đúng cách tùy theo loại mà mình dùng để vừa đảm bảo sức khỏe cho mình vừa chung tay giảm thiểu rác thải, bảo vệ môi trường nha!

1. NHỰA SỐ 1 (PET/PETE)

Tên đầy đủ: Polyethylene Terephthalate
Ví dụ: hầu hết các chai nước ngọt, nước khoáng, hộp nhựa, lớp chống trầy xước trên màng film…

Đặc điểm:

- Thường có màu trong suốt, giòn, dễ bị trầy xước
- An toàn để đựng thực phẩm nhưng không nên dùng để đồ trên 70 độ C vì có thể gây biến dạng chất, ảnh hưởng tới sức khoẻ.
- Có khả năng chống thấm CO2 cao
- Không nên để trong lò vi sóng hay để trực tiếp dưới ánh nắng

*Được FDA Mỹ và EFSA châu Âu chứng nhận an toàn và quá trình sản xuất không dùng Bisphenol-A (BPA). Đây là một loại hợp chất khiến cộng đồng quan ngại về khả năng gây rối loạn nội tiết tố và ung thư, nhưng thực chất nguy cơ thôi nhiễm BPA từ đồ nhựa là rất thấp
Cách sử dụng:

- Nên tránh sử dụng nhựa số 1 (PET)  hay nhựa dùng 1 lần khi có thể, dùng bình nước cá nhân hoặc hộp đựng thức ăn riêng để tránh tạo thêm rác thải.
- Nếu đã lỡ dùng các chai nhựa 1 lần thì bạn có thể tái sử dụng chúng nhiều lần một cách an toàn: rửa sạch khi dùng, tránh đựng đồ nóng trên 70 độ C hay để chai trực tiếp dưới ánh nắng.
- Nếu không thể tái sử dụng được nữa thì phải bỏ rác đúng nơi và phân vào loại rác tái chế.

2. NHỰA SỐ 2 (HDPE)

Tên đầy đủ: High Density Polyethylene
Ví dụ: bình nhựa cứng, bình đựng chất tẩy rửa, bình sữa, chai gội đầu, sữa tắm, mỹ phẩm, cáp quang, dây điện ngầm…
Đặc điểm:

- Thường có màu đục, chống mài mòn tốt, dễ bị trầy xước đối với nhựa cứng, còn nhựa mềm thì không
- Là nhựa nhiệt dẻo, có thể chảy mềm thành chất lỏng ở nhiệt độ cao để tạo hình và đóng rắn lại khi làm nguội
- PE tỷ trọng cao, nổi tiếng với tính bền vững và tính linh hoạt xuất sắc, chịu được va đập và áp lực cao
- Là một trong những loại nhựa có độ an toàn cao nhất khi đựng thực phẩm vì không chứa các chất độc hại như chì, thủy ngân hay BPA
- Nên dùng ở nhiệt độ từ -65 độ C đến 85 độ C, tránh bỏ vào lò vi sóng, dễ bị nứt vỡ khi gặp nhiệt độ thay đổi đột ngột
- Có độ trơ với hầu hết hóa mỹ phẩm, kháng nước và kháng ẩm tốt, thường được dùng để đựng hóa mỹ phẩm và chai nhựa đựng nước nóng lạnh
- Bám dầu và thấm dầu, do đó rất khó rửa sạch khi đựng các thứ có dầu, béo. Tốt nhất là không nên đựng thức ăn có dầu vì dầu sẽ đi qua cái bao bì đó
Cách sử dụng:

- Có thể sử dụng để đựng thực phẩm (trên -65 độ C và dưới 85 độ C).
- Không nên đựng thực phẩm có dầu, béo, vì rất khó rửa sạch, thay vào đó có thể dùng nhựa số 1 (PETE/PET)
- Có thể tái sử dụng nhiều lần nhưng cần rửa sạch thường xuyên tương tự nhựa PET
- Nếu không thể tái sử dụng được nữa thì phải bỏ rác đúng nơi và phân vào loại rác tái chế.

3. NHỰA SỐ 3 (V/PVC)

Tên đầy đủ: Polyvinyl Chloride
Ví dụ: áo mưa, ống nước, vỏ bọc dây cáp, túi nhựa trong suốt, màng bọc thực phẩm, túi đựng máu, ống truyền và một số dụng cụ y tế, đồ nội thất...

Đặc điểm:

- Nhẹ, giòn, cứng, thường được thêm phụ gia để có tính mềm dẻo và tăng độ bền cơ học
- Các chất phụ gia thường có tỉ lệ thấp, trong mức an toàn nhưng cũng được cảnh báo là có hại cho sức khỏe khi tiếp xúc lâu dài hoặc ở mức độ cao đối với các vật dụng chứa, đựng thực phẩm
- Ít bị ảnh hưởng bởi thời tiết, nên thường được làm ống nước và vỏ bọc dây cáp
- Không bền nhiệt (150-200 độ C), nhiệt độ khuyến cáo sử dụng là từ 0 độ C đến 80 độ C, tránh dùng màng bọc thực phẩm PVC (màu trắng ngà hoặc vàng nhạt), đặc biệt là khi cho vào lò vi sóng để làm nóng thức ăn
- Có khả năng dập tắt đám cháy, nhờ vào hàm lượng clo có nguồn gốc từ muối thông thường trong PVC
- Có khả năng kháng hóa chất hiệu quả, không bị hòa tan bởi một số loại hóa chất hữu cơ và chống lại hầu hết các hóa chất vô cơ

*Được FDA Mỹ chứng nhận an toàn, được phép sử dụng trong đồ đựng thực phẩm, dược phẩm và các dụng cụ y tế; chỉ sản sinh ra chất độc hại khi đốt PVC (không hiệu quả hoặc không hoàn toàn)

4. NHỰA SỐ 4 (LDPE)

Tên đầy đủ: Low-density Polyethylene
Ví dụ: Hộp đựng thức ăn, găng tay nilon, túi nilon, các loại bao bì đựng thực phẩm, giỏ đựng đồ siêu thị, phụ kiện/linh kiện máy tính & điện thoại, thiết bị phòng thí nghiệm,…

Đặc điểm:
- Dạng sáp, có cảm giác trơn trượt, không màu, không mùi, mềm dẻo, nhẹ, linh hoạt.
-Vật liệu là nhựa nhiệt dẻo nên có độ bền cao và chống ăn mòn tốt, chống va đập, chống ẩm mốc, cách nhiệt, điện cực tốt giúp dễ dàng chế tạo hoặc xử lý.
- Nhiệt độ khuyến cáo -78oC đến 100oC  và điểm nóng chảy là 110°C.
- Có tỷ trọng polyethylene thấp, có các đặc điểm tương tự loại số 2 nhưng độ bền kém hơn, dễ vỡ/gãy.
- Không nên dùng trong lò vi sóng khi trên ngưỡng nhiệt độ cho phép
- Nhựa số 4 có độ trơ về mặt hoá học nên an toàn để dùng làm bao bì thực phẩm và có thể tái sử dụng nhiều lần trong ngưỡng nhiệt độ cho phép.

Cách sử dụng:
- Thường được dùng để bảo quản đồ ở nhiệt độ thấp
- Có thể tái sử dụng nhiều lần nhưng cần rửa sạch
- Cần tìm hiểu và đọc kỹ thông tin trên bao bì các loại nhựa để sử dụng đúng cách
- Có thể tái chế tất cả nhưng cần phải phân loại kỹ và làm sạch chất hữu cơ bên trong. Nhưng hiện nay trên thị trường rất ít nơi tái chế loại nhựa này. Chỉ có các loại túi bóng dẻo màu trắng trong sẽ được thu để bán ve chai và tái chế.

5. NHỰA SỐ 5 (PP)

Tên đầy đủ: Polypropylene
Ví dụ: Chai đựng nước, hộp bảo quản thực phẩm, đồ chơi, đồ gia dụng, ống hút, đèn tín hiệu…
Đặc điểm:
- Một dạng nhựa nhiệt dẻo cứng.
- Những sản phẩm nhựa màu trắng trong suốt, không màu, không mùi, không vị và không độc. Tuy nhiên, chúng có thể được pha trộn thêm các hạt tạo màu để tạo ra các thành phẩm có màu sắc bắt mắt hơn cho tiêu dùng.
- Có độ bóng bề mặt tốt
- Với khả năng chống thấm nước và thấm khí, không dễ bị oxy hóa hay ảnh hưởng bởi các loại khí khác, hơi nước hay dầu mỡ nên chúng thường được tận dụng làm các loại hộp, hũ, can, bình đựng, bao bì…
- Khả năng chịu nhiệt cao, giới hạn nhiệt lên tới 130 - 170 độ C
- Có độ bền cơ học cao
- Đa số dùng làm đồ nhựa để đựng thực phẩm

Cách sử dụng:
- Có thể dùng để bảo quản thực phẩm nhưng chỉ nên trong khoảng nhiệt độ từ -15oC đến 130oC và có thể sử dụng để quay lò vi sóng để hâm nóng thức ăn nhưng chỉ nên quay từ 2-3 phút để đảm bảo an toàn
- Có thể tái sử dụng nhiều lần nhưng cần rửa sạch và chỉ dùng trong ngưỡng nhiệt an toàn
- Loại nhựa có khả năng tái chế khá cao, còn được gọi là nhựa giá trị cao vì có thể nấu chảy và tái chế thành nhiều loại vật dụng khác nhau. Vậy nên cần được phân loại vào rác tái chế và đem đến các nơi để tái chế, tránh lãng phí.

6. NHỰA SỐ 6 (PS)

Tên đầy đủ: Polystyrene
- Các loại nhựa PS bao gồm:
+ Nhựa EPS (nhẹ xốp) : làm hộp xốp hoặc mút xốp chống va đập
+ Nhựa HIPS (cứng, giòn): xe máy, vỏ tivi, hộp, khay đựng bánh kẹo, hũ sữa chua, chén, cốc, đĩa dùng 1 lần,...
+ Nhựa GPPS (cứng, trong suốt): làm đồng hồ treo tường, vỏ công tơ điện, khay hộp thực phẩm, làm lọ mỹ phẩm cao cấp,…
Đặc điểm:
- Là loại nhựa nhiệt dẻo, tồn tại ở dạng cứng hoặc xốp, trong suốt, không màu, không mùi. Khi đốt cháy, nó phát ra ngọn lửa không ổn định
- Tan trong môi trường dung môi hữu cơ, do đó không dùng để chứa acetone, dầu lửa, tinh dầu
- Tính cứng, giòn và nhẹ: Nhựa PS có tính chất cứng và giòn, cùng với khả năng làm sản phẩm nhẹ
- Nhiều thập kỷ qua, FDA đã xác nhận rằng PS an toàn khi dùng cho các ứng dụng tiếp xúc thực phẩm
Cách sử dụng:

- Không đựng nước sôi, thức ăn nhiều dầu mỡ, dưa muối, giấm đồ và đồ ăn trên 70 độ C, do ở nhiệt độ cao Monostyren giải phóng ra lượng lớn, làm tổn hại đến gan.
- Có thể tái sử dụng nhưng cần rửa sạch và sử dụng trong ngưỡng nhiệt an toàn
- Nhựa số 6 bản chất có thể được tái chế nếu được phân loại kỹ và làm sạch chất hữu cơ bên trong, nhưng hiện nay chỉ có 1 số ít cơ sở mới có khả năng tái chế do giá trị nhựa không cao. Vậy nên cần hạn chế tối đa nhựa dùng một lần và phân loại đúng.

7. NHỰA SỐ 7 (OTHER)

- Là những loại nhựa còn lại, nhưng phổ biến nhất là nhựa PC và Tritan:
+ Nhựa PC thường được đưa vào sản xuất các loại bình đựng nước, bình sữa em bé, hộp đựng thực phẩm,... Đã có nhiều ý kiến tranh cãi chất liệu nhựa này không an toàn, gây ung thư vì chứa BPA.

Tuy nhiên, "Vào năm 2014, FDA (Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ ) đã công bố bản báo cáo mới nhất, xác nhận giới hạn tiếp xúc là 50 µg/kg (khoảng 23 µg/lb) hàng ngày, và kết luận rằng BPA có thể an toàn ở mức được cho phép". Vì vậy mà hiện nay các đồ dùng bằng nhựa này đều được in thêm chữ BPA Free - nghĩa là đảm bảo an toàn, không chứa chất gây ung thư.

+ Nhựa Tritan có độ trong suốt như thủy tinh, khi rơi khó vỡ, đảm bảo an toàn sức khỏe cho người sử dụng, thường dùng làm bình đựng nước, hộp đựng thực phẩm, ly đựng nước,...
Đặc điểm:
- Độ bền và độ bền va đập cao: Polycarbonate có độ bền cao giúp nó có khả năng chống va đập và đứt gãy, đồng thời mang lại sự an toàn trong các ứng dụng đòi hỏi độ tin cậy và hiệu suất cao.

- Bảo vệ khỏi bức xạ UV: Polycarbonate có thể được phủ lớp anti UV để ngăn bức xạ tia cực tím và bảo vệ 100% khỏi tia UV có hại.

- Bản chất quang học: Vì có cấu trúc vô định hình, PC cung cấp các đặc tính quang học tuyệt vời. Chiết suất của polycarbonate màu trong suốt là 1,584. Hiện nay, những vật liệu được sử dụng làm mắt kính thường có chiết suất từ 1.50 đến 1.74.

- Kháng hóa chất: Polycarbonate có khả năng chống hóa chất tốt với axit pha loãng, hydrocacbon béo và rượu; kháng hóa chất vừa phải đối với dầu và mỡ. PC rất dễ bị tấn công bởi các chất kiềm loãng, hydrocacbon thơm và halogen hóa. Các nhà sản xuất khuyên bạn nên làm sạch tấm PC bằng một số chất tẩy rửa không ảnh hưởng đến bản chất hóa học của nó. Nó nhạy cảm với chất tẩy rửa có tính kiềm ăn mòn.

- Khả năng chịu nhiệt: Mang lại khả năng chịu nhiệt tốt, nhựa Polycarbonat ổn định nhiệt lên đến 135 ° C. 

- PC được công nhận là nhựa an toàn cho các ứng dụng tiếp xúc với thực phẩm. Nhựa polycarbonate là một vật liệu hoàn hảo cho bình sữa trẻ em, bình nước có thể đổ đầy nước, cốc sippy, và nhiều đồ đựng thực phẩm và đồ uống khác. Mặc dù sự an toàn của PC đã được giám sát kỹ lưỡng vì nó được làm bằng bisphenol A (BPA).

- Một số cơ quan quản lý trên toàn thế giới, chẳng hạn như FDA Hoa Kỳ, Ủy ban Khoa học về Thực phẩm của Ủy ban Châu  u, Cơ quan Tiêu chuẩn Thực phẩm Vương quốc Anh, đã công nhận việc sử dụng PC an toàn cho các ứng dụng tiếp xúc với thực phẩm nhưng cũng có một số nghiên cứu cho thấy BPA là một nguy cơ nguy hại đối với sức khỏe và do đó, dẫn đến sự phát triển của các sản phẩm polycarbonate “không chứa BPA”.

Cách sử dụng:

- Không nên để nước nóng, hoặc các đồ ăn nóng bên trong loại nhựa này.
- Nhựa số 7 PC vẫn an toàn khi để đựng đồ ăn thức uống ở nhiệt độ bình thường, nhưng không nên để đồ ở nhiệt độ cao
- Nếu bạn sử dụng để đựng đồ nóng thì nên chọn loại Tritan hoặc có BPA Free
- Loại nhựa này khá bền nên có thể tái sử dụng nhiều lần nhưng cần rửa sạch và luôn dùng trong ngưỡng nhiệt an toàn theo giới hạn từng loại (PC < 80 độ C; Tritan < 109 độ C)
- Loại nhựa này được tái chế khá nhiều, có thể bán được ve chai. Vậy nên cần bỏ rác đúng nơi quy định và bỏ vào thùng rác tái chế.

Và đó là tất cả các thông tin về 7 loại nhựa khác nhau. Zeen mong là sau bài viết này các bạn đã có thể phần nào hiểu thêm về bản chất và cách sử dụng của từng loại nhựa để có thể đảm bảo an toàn cho sức khoẻ, nhưng đồng thời không gây hại cho môi trường nha!

NHỰA KHÔNG CÓ LỖI, LỖI LÀ Ở CÁCH DÙNG CHÚNG TA SAI!

Đây là bài viết thuộc 𝐆𝐫𝐞𝐞𝐧 𝐌𝐨𝐧𝐝𝐚𝐲 𝐒𝐞𝐫𝐢𝐞𝐬 “𝐌𝐨𝐧𝐝𝐚𝐲 𝐭𝐨 𝐛𝐞 𝐛𝐞𝐭𝐭𝐞𝐫 𝐚𝐧𝐝 𝐠𝐫𝐞𝐞𝐧𝐞𝐫” - series nội dung chia sẻ những thông tin nóng nhất, mới nhất, bổ ích nhất về môi trường, sống xanh và quy định đại học xanh UEH vào thứ hai hàng tuần. “Time for go green” - hãy chung tay thực hiện vì một đại học xanh trên mọi phương diện.

Tin, ảnh: Dự án UEH Green Campus

UEH GREEN CAMPUS PROJECT

UEH Green Campus do Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh (UEH) phối hợp cùng Liên minh không rác Việt Nam (Vietnam Zero Waste Alliance - VZWA) và các đối tác môi trường, kinh tế tuần hoàn thực hiện. Dự án đạt giải Quán quân Cuộc thi quốc tế ""Thử thách thành phố không rác thải"" do Waste Aid thế giới tổ chức.

2021

RETHINK - BE GREEN

Xây dựng nền tảng
Triển khai các thí
điểm tại Campus Nguyễn Văn Linh

2022

UEH
GREEN CITIZENS

Công dân UEH xanh
Nhân rộng Zero Waste
Campus A, B, Vĩnh Long

2023

UEH
GREEN PARTNERS

Đối tác xanh
Nhân rộng các cơ sở

2024

UEH
GREEN COMMUNITY

Cộng đồng UEH xanh
Hệ sinh thái UEH xanh

2025

UEH
GREEN CAMPUS

HÃY THAM GIA CÙNG CHÚNG TÔI
NGAY HÔM NAY!

Tham gia Đóng góp