Viet Nam Language English Language
Trang chủ / Podcast / [Podcast] Tác Động Của Nguồn Nhân Lực Xanh Đến Các Mục Tiêu Về Môi Trường

[Podcast] Tác Động Của Nguồn Nhân Lực Xanh Đến Các Mục Tiêu Về Môi Trường

24/05/2024

Chia sẻ

Từ khóa: Quản lý nguồn nhân lực xanh; Hành vi vì môi trường; Hiệu suất môi trường; Môi trường làm việc bền vững; Đại học xanh

Trong bối cảnh hội nhập nền kinh tế toàn cầu, khái niệm "kinh tế" không chỉ được kì vọng sẽ đi đôi cùng “phát triển” mà ngày càng liên kết chặt chẽ hơn với khái niệm "bền vững" và "xanh". Cũng vì thế mà việc quản lý nguồn nhân lực xanh (GHRM) đã trở thành một chiến lược kinh doanh chủ chốt đối với các tổ chức. Nhận thấy tầm quan trọng của chủ đề này, nhóm nghiên cứu sinh viên của Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh (UEH) đã nghiên cứu và đánh giá toàn diện về các yếu tố tác động đến việc quản lý nguồn nhân lực xanh trong môi trường đại học, từ đó đề xuất giải pháp cụ thể cho các tổ chức và Chính phủ.

Các trường đại học dần chú trọng trong hành vi vì môi trường để sử dụng bền vững nguồn tài nguyên

Mặc dù có mức phát thải ô nhiễm tương đối thấp khi đặt lên bàn cân cùng với các doanh nghiệp, song các trường đại học đang tăng cường nhận thức về môi trường và thúc đẩy hành vi bền vững trong việc sử dụng tài nguyên. Các nghiên cứu trước đây cũng đã chỉ ra các hoạt động trong môi trường giáo dục gián tiếp hoặc trực tiếp đến môi trường. Áp lực môi trường gia tăng và chi phí tiêu thụ tài nguyên ngày càng nhiều đã thúc đẩy các trường đại học chú trọng trong hành vi vì môi trường để sử dụng bền vững nguồn tài nguyên. Ngày càng nhiều trường đại học đang kết hợp các khía cạnh quản lý môi trường vào các chính sách, chương trình giáo dục, dự án nghiên cứu, thiết kế xây dựng, công nghệ và các hoạt động khác trong khuôn viên trường. Bên cạnh đó, các sáng kiến về môi trường trong các trường đại học đã chú trọng nhiều hơn đến các khía cạnh kỹ thuật của hiệu suất môi trường nhưng ít chú ý đến các khía cạnh hành vi của quản lý hoạt động môi trường. Do vậy, sự tiến bộ của họ đối với khả năng duy trì tài nguyên vẫn còn rất chậm và chưa hiệu quả. 

Một số tài liệu nghiên cứu về khả năng duy trì môi trường xanh tại các cơ sở giáo dục đại học đã nhấn mạnh vào sự thay đổi của các nhà quản lý, hay các sáng kiến xanh do sinh viên đề xuất từ dưới lên, nhưng đã bỏ qua việc xem xét những người tham gia cấp trung gian - nhân viên và cán bộ giảng dạy cũng như vai trò của họ đối với tính bền vững trong khuôn viên trường. Vai trò của nhân viên và cán bộ giảng dạy được cho rằng có ảnh hưởng đáng kể trong quá trình phát triển tính bền vững của khuôn viên trường vì kiến thức, kỹ năng, kỹ thuật và mối quan hệ trực tiếp của họ với cấp trên (quản lý, lãnh đạo) và cấp dưới (sinh viên) của tổ chức. Là những người có tiềm năng trong vấn đề hỗ trợ và khuyến khích hành vi vì môi trường của các cá nhân tham gia học tập để đạt được tiến bộ lâu dài đối với môi trường. Vì thế mà nghiên cứu này đã được triển khai để đi sâu vào nghiên cứu tác động của việc quản lý nguồn nhân lực xanh đối với các mục tiêu môi trường trong khuôn viên trường đại học. 

Nghiên cứu này với vai trò kiểm tra tác động trung gian của Hành vi hướng đến môi trường của người lao động (OCBE), Quản lý nhân lực (GHRM) và Hiệu suất môi trường trong khuôn viên trường đại học dựa trên các khảo sát, phương pháp nghiên cứu định tính, định lượng, và cơ sở Lý thuyết Năng lực - Động lực - Cơ hội (AMO), Lý thuyết Bản sắc xã hội, Lý thuyết Trao đổi xã hội. 

Các nhân tố quan trọng có tác động lớn đến môi trường và các hoạt động vì môi trường

Kết quả khảo sát từ 277 dữ liệu được thu thập trực tiếp từ các đối tượng là nhân viên, cán bộ giảng dạy tại một số trường đại học trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh cho thấy: Thực hành xây dựng năng lực xanh (NL), Thực hành nâng cao động lực xanh (DL), Thực hành về sự tham gia của nhân viên xanh (TG), Hành vi của công dân tổ chức đối với môi trường (OCBE), Hiệu suất môi trường (HS) đang được chú trọng, có khoảng một phần ba số người tham gia khảo sát đồng ý về các nhân tố này có tác động lớn đến môi trường và các hoạt động vì môi trường. 

Kết quả nghiên cứu cho thấy, Thực hành nâng cao động lực xanh (DL) và Thực hành về sự tham gia của nhân viên xanh (TG) đều có liên quan chặt chẽ đến nhân tố Hành vi của công dân tổ chức đối với môi trường (OCBE). Bên cạnh đó, nhân tố Hành vi của công dân tổ chức đối với môi trường (OCBE) có tác động tích cực tới Hiệu suất môi trường (HS). Yếu tố biến Thực hành nâng cao động lực xanh (DL) có sự tương quan mạnh mẽ nhất đối với nhân tố Hành vi của công dân tổ chức đối với môi trường (OCBE). Kết quả này là hoàn toàn hợp lý, bởi vì những nhận thức hay sáng kiến về môi trường dù tốt đến đâu cũng có khả năng chỉ là lý thuyết suông nếu không có một nguồn động lực nào thúc đẩy để biến nó thành hành động thực tiễn. Kết quả này gợi ý các tổ chức đưa ra những phần thưởng hay sự công nhận nhằm khuyến khích các hành vi tích cực đối với môi trường. 

Tiếp đến là chiều tác động tích cực giữa nhân tố Hành vi của công dân tổ chức đối với môi trường (OCBE) và nhân tố Hiệu suất môi trường (HS). Phát hiện này phù hợp với các nghiên cứu trước đây, báo cáo mối quan hệ chặt chẽ giữa OCBE và hiệu suất môi trường (Alt và Spitzeck, 2016; Paillé và cộng sự, 2014 ; Pinzone và cộng sự, 2016). Những nhân viên tự nguyện thực hiện các hành vi thân thiện với môi trường như tái chế và bảo tồn năng lượng sẽ giúp đạt được các mục tiêu về cải thiện môi trường trong một tổ chức.

Và cuối cùng là nhân tố Thực hành về sự tham gia của nhân viên xanh (TG) ảnh hưởng tích cực đến nhân tố Hành vi của công dân tổ chức đối với môi trường (OCBE). Kết quả này đồng nhất với kết quả của các nghiên cứu trước đây trong việc phát hiện ra chiều tác động tích cực giữa thực hành tham gia xanh và OCBE (Alt và Spitzeck, 2016; Pinzone và cộng sự, 2016). Khi nhân viên có cơ hội tham gia vào các hoạt động xanh của tổ chức, họ sẽ có cảm giác được trao quyền cho các sáng kiến giải quyết vấn đề môi trường, từ đó dẫn đến thúc đẩy khả năng cư xử thân thiện với môi trường tại nơi làm việc một cách tự nguyện. Bên cạnh những phát hiện ủng hộ các nghiên cứu trước đây, vẫn tồn tại điểm không đồng nhất đó chính là nhân tố Thực hành xây dựng năng lực xanh (NL) không ảnh hưởng đến Hành vi của công dân tổ chức đối với môi trường (OCBE).

Bên cạnh đó, có sự thúc đẩy đáng kể mối quan hệ giữa các hoạt động nhân sự bao gồm Thực hành xây dựng năng lực xanh (NL), Thực hành nâng cao động lực xanh (DL) đối với hiệu suất môi trường, thông qua nhân tố hòa giải OCBE của nhân viên trong khuôn viên trường đại học. Phát hiện này đã ủng hộ quan điểm lý thuyết của Ramus (2002), người đã tuyên bố rằng nhân viên cảm thấy chuẩn bị tốt hơn cho các sáng kiến sinh thái khi các tổ chức chia sẻ trách nhiệm môi trường với họ và coi trách nhiệm môi trường là một phần trong đánh giá hiệu suất của họ. Với OCBE làm trung gian cho các mối quan hệ, kết quả cho thấy Thực hành xây dựng năng lực xanh (NL) và Thực hành nâng cao động lực xanh (DL) đều tác động đến nhân tố Hiệu suất môi trường (HS). Ngoài ra, nhân tố Thực hành về sự tham gia của nhân viên xanh (TG) không đủ khả năng tác động đến nhân tố Hiệu suất môi trường (HS). 

Đề xuất giải pháp quản lý nguồn nhân lực xanh hướng đến các mục tiêu môi trường

Từ việc phân tích các nhân tố tác động đến việc quản lý nguồn nhân lực xanh, nhóm nghiên cứu đề xuất các giải pháp:

Đối với sinh viên: tiếp nhận và thực hiện đúng các quy định tại trường, tự nguyện hành động vì môi trường. Có ý thức xây dựng và bảo vệ môi trường qua các việc làm thiết thực không chỉ tại trường đang học mà còn bên ngoài xã hội, tại nơi làm việc. Bên cạnh đó, sinh viên cần rèn luyện thói quen sử dụng, hoạt động thân thiện với môi trường, tiếp thu và tiếp tục truyền tải nhận thức cho những người xung quanh. Tích cực tham gia hết mình các hoạt động, cuộc thi sáng tạo, dự án về bảo vệ môi trường trong và ngoài trường, nghiên cứu thực trạng môi trường đang diễn ra hiện nay, qua đó mạnh dạn đưa ra những đề xuất, các sáng kiến góp phần xây dựng xanh hóa khuôn viên trường đại học.

Đối với giảng viên và nhân viên trường đại học: cần có ý thức bảo vệ, tự nguyện thực hiện và phối hợp với nhà trường trong các hành động thân thiện với môi trường tại nơi làm việc. Giảng viên có thể liên hệ các vấn đề về môi trường trong các bài giảng dạy, làm gương, chia sẻ kiến thức thực tế về trách nhiệm bảo vệ môi trường với sinh viên và khen thưởng những hành vi tích cực với môi trường nhằm khuyến khích sinh viên nỗ lực hơn trong việc đề xuất các sáng kiến bảo vệ môi trường tại khuôn viên trường. Bên cạnh đó, các kỹ năng và chuyên môn của đội ngũ giảng viên nên được tận dụng trong việc đưa ra các giải pháp cho các vấn đề về môi trường, qua đó truyền tải lại cho các thế hệ học sinh/sinh viên cũng như những người xung quanh khác. Ngoài ra, mỗi nhân viên tại các trường đại học cũng là những người rất quan trọng trong việc thực hành các hoạt động vì môi trường cũng như tác động ít nhiều đến ý thức của sinh viên. Do đó, cần có ý thức tự giác thực hiện các hành động môi trường trong các hoạt động chính thức hàng ngày, tích cực tham gia các sự kiện môi trường mà trường đại học đã tổ chức, cập nhật thông tin về các sáng kiến môi trường của trường đại học và cũng khuyến khích đồng nghiệp của họ áp dụng các hành vi thân thiện với môi trường.

Đối với Nhà trường: thực hiện các chính sách tuyển dụng xanh có thể làm nổi bật lập trường về môi trường của một trường đại học để thu hút các ứng viên có tư duy đóng góp tích cực về môi trường. Đồng thời, tổ chức các buổi đào tạo và phát triển nguồn nhân lực xanh, đề ra các đãi ngộ dành cho đội ngũ nhân lực xanh và quản lý hiệu suất xanh nhằm thúc đẩy các hành vi bảo vệ môi trường trong khuôn viên trường đại học. Ngoài ra, các trường đại học còn góp phần thúc đẩy tăng trưởng xanh bằng cách điều chỉnh lại chương trình và cách thức đào tạo, chú trọng vào giáo dục môi trường nhằm đào tạo nguồn nhân lực xanh. Từ đó, làm thay đổi mô hình tăng trưởng của quốc gia thông qua kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực; thực hiện các nghiên cứu về môi trường và ứng dụng các sáng kiến khoa học có ý nghĩa đối với môi trường góp phần trong việc hoạch định các chính sách của Chính phủ; tham gia vào các hoạt động trao đổi về định hướng môi trường xanh và xã hội bền vững tại các hội thảo, hội nghị... để trở thành cầu nối vững chắc giữa cộng đồng và Chính phủ.

Đối với Chính phủ: cần bổ sung thêm các chính sách thúc đẩy doanh nghiệp tăng cường sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực xanh trong công tác tuyển dụng cán bộ giảng viên, đồng thời, phê duyệt và khuyến khích các chương trình đào tạo liên quan đến hành vi xanh và môi trường bền vững. Bởi vì các trường đại học thông qua đào tạo những sinh viên tiềm năng, sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng xanh bằng thay đổi cách sống, cách sản xuất và tiêu dùng bởi một lượng lớn nguồn nhân lực tương lai. Nguồn nhân lực có trình độ và kỹ năng cao tốt nghiệp từ các trường đại học xanh sẽ giúp xanh hóa mô hình tăng trưởng kinh tế của quốc gia, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống cho mỗi người dân - hoàn thành vai trò cốt lõi của Chính phủ. Chính phủ nên Hướng đến mục tiêu “xanh hoá” môi trường không chỉ mang lại lợi ích toàn cầu mà còn mang lại nhiều cơ hội cho các quốc gia, doanh nghiệp và mỗi người dân. Đồng thời, chuyển dịch và tăng tốc độ phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp “xanh”; kiểm soát ô nhiễm môi trường; nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu; hướng đến một nền kinh tế carbon thấp, giảm phát thải và tăng lượng hấp thụ khí nhà kính. Nhấn mạnh mục tiêu phát triển xanh và bền vững là nền tảng quan trọng và yếu tố cần thiết trong lĩnh vực giáo dục, ủng hộ chính sách xanh hoá các trường đại học nói riêng và các cơ sở giáo dục nói chung.
Xem toàn bộ Bài nghiên cứu tác động của Quản lý nguồn nhân lực xanh dành cho hành vi của công dân tổ chức đối với môi trường và hoạt động vì môi trường trong khuôn viên Trường đại học TẠI ĐÂY. 

Nhóm tác giả: Nguyễn Thị Thúy Linh, Hồ Thị Tâm Diệu, Trần Thị Lê Na, Lê Hiếu Ngân, Thái Ngọc Bích Trâm - Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh. 

Đây là bài viết nằm trong chuỗi bài Cộng đồng nghiên cứu xanh với thông điệp “Research Contribution for UEH Living Lab Green Campus”, UEH trân trọng kính mời cộng đồng cùng đón xem bản tin Cộng đồng nghiên cứu xanh #2 tiếp theo.

*Nhằm tạo điều kiện tối đa để phát triển “Cộng đồng nhà nghiên cứu xanh UEH”, các thành viên trong cộng đồng sẽ được tham dự lớp phương pháp nghiên cứu khoa học liên quan đến chủ đề Living lab, Green Campus. Bên cạnh đó, khi sản phẩm đạt tiêu chuẩn, nhóm nghiên cứu sẽ nhận được Giấy chứng nhận của Ban Đề án Đại học bền vững UEH và kinh phí hỗ trợ đối với một đề tài đạt tiêu chuẩn.

Tin, ảnh: Tác giả, Đoàn Thanh niên - Hội sinh viên UEH, Phòng Marketing  Truyền thông UEH, 

Giọng đọc: Ngọc Quí

 

 

HÃY THAM GIA DỰ ÁN CÙNG ZEEN
NGAY HÔM NAY