Viet Nam Language English Language
Trang chủ / Podcast / [Podcast] Quá trình hình thành hành vi phân loại chất thải: Tính thuận tiện của việc tái chế ảnh hưởng đến hành vi của cư dân Thành phố Hồ Chí Minh như thế nào?

[Podcast] Quá trình hình thành hành vi phân loại chất thải: Tính thuận tiện của việc tái chế ảnh hưởng đến hành vi của cư dân Thành phố Hồ Chí Minh như thế nào?

16/05/2025

Chia sẻ

Từ khóa: Phân loại rác, lý thuyết về hành vi có kế hoạch, biện pháp khuyến khích, tính thuận tiện của việc tái chế

Đã bao giờ bạn từng tiện tay bỏ chiếc ly trà sữa đang uống dở vào thùng rác kế bên mà không phân loại vì bản thân đang vội chưa? Nhắc tới đây, có thể bạn cũng đang suy nghĩ rằng tại sao bản thân vào lúc ấy lại không dành chỉ một vài giây để thực hành việc phân loại, tuy nhiên đôi lúc, việc cảm thấy “không tiện” lại là rào cản lớn nhất. Để giải đáp câu hỏi này, nhóm nghiên cứu sinh viên tại Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh (UEH) đã tiến hành nghiên cứu về ảnh hưởng của sự “tiện lợi” đến việc thực hành phân loại rác.

Ô nhiễm rác thải đô thị đang là vấn đề đáng báo động, đặc biệt tại các thành phố lớn như thành phố Hồ Chí Minh khi lượng rác sinh hoạt ngày càng tăng. Dù phân loại rác tại nguồn là một giải pháp hiệu quả nhưng thói quen xả rác không phân loại, sự thiếu tiện lợi và tâm lý ngại thay đổi của người dân vẫn là rào cản lớn. Vì vậy, việc nghiên cứu về ảnh hưởng của yếu tố “tiện lợi” đến hành vi phân loại rác là cần thiết, nhằm góp phần cải thiện ý thức và hiệu quả quản lý rác thải đô thị.

Nền tảng nghiên cứu

Trên cơ sở nền tảng lý thuyết về hành vi có kế hoạch của con người, các nghiên cứu trong lĩnh vực quản lý rác thải đã phát triển nhiều mô hình nhằm lý giải hành vi phân loại và xử lý rác. Nhìn chung, các mô hình này thường chú trọng đến ảnh hưởng của các yếu tố như: động cơ khuyến khích, chuẩn mực chủ quan, chuẩn mực đạo đức, sự thuận tiện của quy trình phân loại, cùng với chính bản thân quá trình thực hiện phân loại rác thải.

Đi sâu vào các nghiên cứu cụ thể, công trình của Stoeva và Alriksson (2017) chỉ ra rằng, hành vi phân loại rác đòi hỏi nỗ lực nhất định, do đó thái độ của cá nhân đóng vai trò quyết định. Nghiên cứu này nhấn mạnh rằng, nếu các điều kiện hỗ trợ việc phân loại thuận lợi, tỷ lệ người tiêu dùng tham gia phân loại rác thải có thể được cải thiện đáng kể. Tương tự, một nghiên cứu khác về phân loại nhựa tại Nhật Bản cũng cho thấy ảnh hưởng của nhiều yếu tố, bao gồm chuẩn mực chủ quan, kiến thức về phân loại, và các chính sách từ nhà nước. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, chuẩn mực chủ quan và kiến thức về phân loại tác động mạnh mẽ đến ý định phân loại, trong khi ý định này và các can thiệp pháp lý lại ảnh hưởng trực tiếp đến hành vi phân loại. Những phát hiện này cung cấp cơ sở hiểu biết quan trọng cho các nhà hoạch định chính sách cũng như định hướng cho các nghiên cứu tiếp theo trong lĩnh vực này.

Vấn đề phân loại đặc biệt nổi cộm tại Trung Quốc, nhất là trong bối cảnh quản lý pin chì phế thải đang là mối quan ngại lớn. Do chi phí xử lý cao và quy trình phức tạp, việc không tuân thủ quy trình xử lý chuẩn đã diễn ra phổ biến tại nhiều địa điểm (Sun và cộng sự, 2017). Hậu quả nghiêm trọng là các khu vực đất và nguồn nước bị ô nhiễm, suy thoái do tiếp nhận lượng phát thải độc hại từ quá trình xử lý sai quy cách. Nguy hiểm hơn, các sản phẩm từ hoạt động trồng trọt và chăn nuôi trong vùng bị ảnh hưởng có nguy cơ tích tụ dư lượng chì vượt mức an toàn, tiềm ẩn rủi ro gây ung thư và nhiều bệnh lý nguy hiểm khác cho sức khỏe con người khi đi vào chuỗi thực phẩm. Nghiên cứu của Lou và cộng sự (2022) về vấn đề này đã chỉ ra rằng, cả thái độ và chuẩn mực chủ quan đều có ảnh hưởng đáng kể đến hành vi phân loại, và các yếu tố này lại có thể bị tác động bởi mức độ thuận tiện của quy trình phân loại. 

Kế thừa và phát triển từ những tiền đề nghiên cứu này, nhóm nghiên cứu sinh viên UEH đã tiến hành khảo sát và phân tích trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, nhằm làm rõ hơn thực trạng và góp phần tìm kiếm giải pháp cho vấn đề phân loại rác tại địa phương.

Những nhân tố liên quan đến hành vi phân loại rác thải

*Phân tách chất thải sinh hoạt tại nguồn là hành vi tự chủ, không mang tính ngẫu nhiên

Hành vi phân loại rác được định nghĩa là hoạt động có ý thức của cá nhân nhằm phân tách chất thải sinh hoạt tại nguồn thành các nhóm riêng biệt (như hữu cơ, tái chế, và không thể tái chế) để phục vụ cho các quy trình xử lý hoặc tái chế phù hợp. Dựa trên nền tảng lý thuyết về hành vi có kế hoạch của Ajzen (1991), hành vi này không mang tính ngẫu nhiên mà chịu sự tác động của các yếu tố tâm lý như ý định, thái độ và chuẩn chủ quan, cũng như nhận thức về khả năng kiểm soát hành vi. Bên cạnh đó, các yếu tố thuộc về bối cảnh như sự thuận tiện của hệ thống phân loại cũng đóng vai trò then chốt trong việc khuyến khích và duy trì thực hành này một cách bền vững.

*Giai đoạn “nghĩ trước khi làm” được định hình bởi thái độ, chuẩn mực chủ quan và nhận thức kiểm soát hành vi

Quá trình dẫn đến một hành động cụ thể như phân loại rác thường bắt đầu từ một trạng thái tâm lý được gọi là ý định. Đây là giai đoạn “nghĩ trước khi làm”, khi cá nhân mong muốn thực hiện hành vi trong tương lai được định hình. Các công trình nghiên cứu trong lĩnh vực tâm lý học hành vi đã chỉ ra rằng, ý định đóng vai trò là cầu nối quan trọng giữa suy nghĩ và hành động. Cụ thể, lý thuyết về hành vi có kế hoạch giải thích rằng ý định thực hiện hành vi được định hình bởi ba nhân tố cốt lõi: cách cá nhân đánh giá về hành vi đó (thái độ), nhận thức về sự chấp nhận hay kỳ vọng của xã hội (chuẩn mực chủ quan), và niềm tin vào khả năng thực hiện hành vi (nhận thức kiểm soát hành vi). Do đó, sự hình thành ý định phân loại rác sẽ phụ thuộc vào thái độ về phân loại, các yếu tố khuyến khích phân loại từ môi trường xung quanh, và sự tự tin vào khả năng của bản thân để thực hiện hành vi này.

*Sự thuận tiện của hệ thống phân loại đóng vai trò khuyến khích và duy trì thực hành bền vững

Bên cạnh ý định và nhận thức cá nhân, một yếu tố thực tế cũng ảnh hưởng mạnh đến hành vi phân loại rác chính là mức độ thuận tiện trong quá trình thực hiện, cụ thể là hành vi phân loại rác. Nhiều người cảm thấy rằng việc phân loại rác là một công việc phiền phức, tốn thời gian và thiếu không gian để lưu trữ rác tái chế. Theo Aceti (2002), khi cảm thấy bất tiện, họ sẽ có xu hướng giảm tần suất phân loại hoặc từ bỏ hoàn toàn. Những rào cản như sợ côn trùng, sự lộn xộn, hoặc địa điểm thu gom quá xa khiến việc hành động trở nên khó khăn hơn. Vì vậy, khi một cá nhân có thái độ tích cực đối với việc phân loại rác, chịu ảnh hưởng tích cực từ hành động hoặc thái độ của những người xung quanh, và tin rằng bản thân có đủ điều kiện để thực hiện, thì ý định thực hiện hành vi phân loại rác của họ sẽ trở nên mạnh mẽ hơn, từ đó dẫn tới sự thay đổi về hành vi.

Kết quả nghiên cứu

Kết quả sau phân tích cho thấy, kiến thức về phân loại rác có ảnh hưởng mạnh mẽ nhất đến hành vi phân loại rác. Nhóm nghiên cứu lập luận rằng, kiến thức sâu sắc về phân loại rác góp phần nâng cao hiệu quả quy trình phân loại, từ đó cải thiện tỷ lệ rác được phân loại đúng cách. Hơn nữa, việc hiểu rõ về cách thức phân loại giúp cá nhân nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của hành vi này, dẫn tới những thay đổi tích cực về cả ý định và hành vi phân loại rác. Lập luận này nhận được sự củng cố bởi kết quả từ các nghiên cứu trước đó (Li và cộng sự, 2018; Liu cộng sự, 2019).

Bên cạnh yếu tố kiến thức, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng các yếu tố nội tại như chuẩn mực chủ quan và chuẩn mực đạo đức cá nhân cũng tác động đáng kể đến hành vi phân loại rác. Những yếu tố này thúc đẩy cư dân tuân thủ các quy định thực hành phân loại, ngay cả trong điều kiện không có sự giám sát trực tiếp. Theo đó, những cá nhân đề cao chuẩn mực chủ quan và chuẩn mực đạo đức hơn thường có xu hướng tuân thủ việc phân loại rác tốt hơn so với những người khác. Phát hiện này gợi mở tiềm năng cho việc xây dựng các giải pháp nhằm thúc đẩy hành vi phân loại rác dựa trên các yếu tố tâm lý xã hội này.

Cuối cùng, yếu tố bổ sung được đưa vào mô hình nghiên cứu này – tính thuận tiện của việc tái chế – cũng cho thấy tác động tích cực đến hành vi phân loại rác. Các cá nhân sống trong môi trường được thiết kế thuận lợi cho việc phân loại, ví dụ tại các khu dân cư hoặc chung cư có bố trí hệ thống thùng rác phân loại phù hợp và dễ tiếp cận, thể hiện xu hướng thực hành phân loại rác thường xuyên và hiệu quả hơn.

Hàm ý chính sách

Trong bối cảnh Thành phố Hồ Chí Minh đang phải đối mặt với áp lực ngày càng gia tăng từ rác thải sinh hoạt, việc thúc đẩy hành vi phân loại rác tại nguồn không chỉ được xem là một giải pháp cấp thiết về môi trường mà còn là chiến lược dài hạn hướng tới phát triển bền vững. Kết quả nghiên cứu của sinh viên UEH đã chỉ ra rằng, nhiều yếu tố có tiềm năng can thiệp nhằm nâng cao ý định và hành vi phân loại rác của cư dân, từ đó mang lại những hàm ý chính sách thiết thực và đáng lưu tâm.

Trước hết, kiến thức được xác định là yếu tố nền tảng trong việc hình thành hành vi phân loại rác. Khi người dân thấu hiểu lý do, cách thức và mục đích của việc phân loại, tính chủ động trong thực hiện hành vi sẽ được gia tăng. Theo lý thuyết hành vi có kế hoạch của Ajzen (1991), nhận thức và niềm tin cá nhân là khởi nguồn quan trọng của ý định hành vi. Do đó, chính quyền đô thị cần phát triển các chương trình giáo dục cộng đồng hiệu quả, không chỉ giới hạn ở việc truyền tải thông tin, mà còn phải kết nối kiến thức với thực tiễn đời sống và hệ giá trị của người dân. Chẳng hạn, có thể triển khai các bảng hướng dẫn minh họa trực quan tại điểm công cộng, tổ chức buổi tuyên truyền chuyên sâu tại trường học, khu dân cư, hoặc ứng dụng công nghệ số để tạo nội dung tương tác, hấp dẫn.

Bên cạnh đó, vai trò của truyền thông xã hội và truyền thông đại chúng trong việc định hình thái độ tích cực đối với hành vi phân loại rác là vô cùng quan trọng. Khi hành vi phân loại rác được cảm nhận là có ý nghĩa, gắn liền với hình ảnh văn minh, hiện đại và trách nhiệm của công dân, thái độ tích cực sẽ được củng cố, giúp cá nhân dễ dàng tiếp nhận và duy trì hành vi này. Để gia tăng hiệu quả, các chiến dịch truyền thông cần mang tính truyền cảm hứng, sử dụng hình ảnh tích cực, gần gũi, đồng thời tích hợp vào các chiến dịch môi trường quy mô lớn hơn. Việc sử dụng người nổi tiếng hoặc các hình tượng đại diện cho lối sống xanh để truyền tải thông điệp cũng là một phương thức hiệu quả nhằm tạo ảnh hưởng xã hội rộng rãi.

Tính thuận tiện – được xác định là một rào cản hành vi đáng kể trong nghiên cứu – là yếu tố cần được đặc biệt chú trọng khi xây dựng chính sách. Sự bất tiện trong quá trình phân loại, thể hiện qua việc thiếu hụt điểm thu gom phù hợp, lịch trình thu gom không rõ ràng, hoặc quy trình xử lý sau phân loại thiếu nhất quán, có thể làm suy giảm động lực thực hành phân loại của người dân. Do đó, nhà nước và các doanh nghiệp môi trường cần đầu tư thỏa đáng để phát triển hạ tầng phân loại tại nguồn, bao gồm hệ thống điểm thu gom và mô hình phân loại, đồng thời đảm bảo quy trình xử lý sau phân loại được thực hiện đúng quy chuẩn. Ngoài ra, đội ngũ nhân viên môi trường cũng cần được đào tạo kiến thức và kỹ năng chuyên môn về môi trường nói chung và phân loại rác nói riêng, nhằm đảm bảo quy trình vận hành diễn ra thông suốt. Các nhà làm chính sách cũng nên khuyến khích các hộ gia đình chủ động triển khai mô hình “phân loại rác tại nguồn” ngay tại nhà, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả của toàn bộ chuỗi xử lý rác thải.

Cuối cùng, một yếu tố tinh tế nhưng vô cùng quan trọng là đạo đức cá nhân và chuẩn mực xã hội. Khi hành vi phân loại được xem là một trách nhiệm đạo đức – nghĩa là người dân làm vì đó là điều đúng đắn chứ không vì ép buộc – hành vi này sẽ có xu hướng duy trì bền vững hơn. Như Schwartz (1977) từng đề cập trong lý thuyết giá trị – chuẩn mực, hành vi môi trường mang động cơ cá nhân cao sẽ gắn với ý thức đạo đức mạnh mẽ. Vì vậy, các chính sách nên hướng tới việc xây dựng cộng đồng với các chuẩn mực xã hội tích cực, biểu dương các khu phố hoặc cá nhân tiêu biểu, tổ chức cuộc thi “khu dân cư xanh” nhằm nâng cao tinh thần tự hào và trách nhiệm tập thể.

Bài nghiên cứu đã gián tiếp đóng góp cho SDG 11 - Thành phố và Cộng đồng Bền vững, SDG 12 - Tiêu dùng và Sản xuất có trách nhiệm và SDG13 - Ứng phó với biến đổi khí hậu. Xem toàn bộ bài nghiên cứu Quá trình hình thành hành vi phân loại chất thải: Sự thuận tiện của việc tái chế ảnh hưởng đến hành vi của cư dân TP. Hồ Chí Minh như thế nào? TẠI ĐÂY

Nhóm tác giả: Phương Ngọc Tường Vy, Nguyễn Phước Quý Châu, Nguyễn Thị Thu Phương, Bùi Trọng Huy, Võ Hương Giang - Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh

Đây là bài viết nằm trong chuỗi bài Cộng đồng nghiên cứu xanh với thông điệp “Research Contribution for UEH Living Lab Green Campus”, UEH trân trọng kính mời cộng đồng cùng đón xem bản tin Cộng đồng nghiên cứu xanh tiếp theo.

*Nhằm tạo điều kiện tối đa để phát triển “Cộng đồng nhà nghiên cứu xanh UEH”, các thành viên trong cộng đồng sẽ được tham dự lớp phương pháp nghiên cứu khoa học liên quan đến chủ đề Living lab, Green Campus. Bên cạnh đó, khi sản phẩm đạt tiêu chuẩn, nhóm nghiên cứu sẽ nhận được Giấy chứng nhận của Ban Đề án Đại học bền vững UEH và kinh phí hỗ trợ đối với một đề tài đạt tiêu chuẩn.

Thông tin thêm:

SDG 11 – Thành phố và Cộng đồng bền vững nhằm mục tiêu xây dựng các khu đô thị và cộng đồng có khả năng chống chịu, an toàn, và phát triển bền vững, thông qua việc cải thiện chất lượng môi trường sống, quản lý rác thải hiệu quả và đảm bảo tiếp cận các dịch vụ cơ bản cho mọi người dân. Một thành phố bền vững không chỉ quan tâm đến cơ sở hạ tầng vật chất mà còn bao gồm cả nhận thức và hành vi của cư dân trong việc bảo vệ môi trường sống chung.

SDG 12 – Tiêu dùng và sản xuất có trách nhiệm tập trung vào việc bảo đảm các mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững, từ đó giảm áp lực lên tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu chất thải và ô nhiễm môi trường. Mục tiêu này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc quản lý chất thải hiệu quả, sử dụng tài nguyên một cách tối ưu, và thúc đẩy sự thay đổi trong hành vi tiêu dùng của cá nhân và cộng đồng, đặc biệt là thông qua giáo dục và nhận thức.

SDG 13 – Ứng phó với biến đổi khí hậu kêu gọi hành động khẩn cấp để chống lại biến đổi khí hậu và những tác động tiêu cực của nó, thông qua việc giảm phát thải khí nhà kính, nâng cao khả năng thích ứng và tăng cường nhận thức cộng đồng. Mục tiêu này không chỉ bao gồm các chính sách cấp quốc gia mà còn đòi hỏi sự thay đổi từ hành vi cá nhân và cộng đồng trong đời sống hàng ngày, đặc biệt là ở những lĩnh vực có liên quan trực tiếp đến phát sinh và xử lý chất thải.

Tin, ảnh: Dự án UEH Green Campus, Ban Truyền thông và Phát triển đối tác UEH

Giọng đọc: Thanh Kiều

HÃY THAM GIA DỰ ÁN CÙNG ZEEN
NGAY HÔM NAY